Triển vọng kinh tế
Được thành lập năm 1967 tại Bangkok, ASEAN ra đời với 5 thành viên sáng lập gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định và duy trì hòa bình. Kể từ đó, các quốc gia thành viên đã chuyển từ các nước nông nghiệp kém phát triển trở thành trung tâm sản xuất sản phẩm lớn của thế giới, từ mặt hàng ô tô đến điện thoại di động.
50 năm sau khi thành lập, ASEAN sở hữu những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới như Philippines và Việt Nam, với tỷ lệ hơn 6%. Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) dự đoán, với tổng dân số trên 620 triệu người, tiềm năng đầu tư của ASEAN còn rất lớn. Đến năm 2020, dự báo, khu vực này sẽ là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN đã tăng vọt lên 2,6 nghìn tỷ USD vào năm 2016. Tốc độ tăng trưởng chung của khối được dự báo ở mức 4,9% trong năm tới, với Myanmar, Việt Nam và Philippines đang là 3 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
Ngoài ra, khu vực này còn sở hữu nhiều điều kiện để tiếp tục phát triển như đang ở thời điểm “vàng” của nhân khẩu học, tầng lớp trung lưu đang ngày một gia tăng. Trong khi Trung Quốc, Nhật Bản đều chứng kiến sự sụt giảm trong lực lượng lao động kể từ năm 2015, dân số trong độ tuổi lao động của Đông Nam Á vẫn tiếp tục tăng lên đến năm 2020. Việc tầng lớp trung lưu - đối tượng chi tiêu nhiều nhất - đang ngày một tăng lên cũng hứa hẹn, ASEAN sẽ là thị trường nhiều sức hút.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (giữa ASEAN và Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á là 2 ví dụ cho thấy sự tăng cường ảnh hưởng của ASEAN trong khu vực. Triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ này của khu vực chính là động lực thu hút đầu tư từ nước ngoài. Điển hình là việc Công ty Coca-Cola có kế hoạch mở rộng ở Việt Nam và Myanmar, trong khi Apple Inc. đang xây dựng các trung tâm ở Indonesia.
Vai trò trung tâm
Tuy nhiên, các khác biệt trong thể chế chính trị, văn hóa trong khối cũng tạo ra những rào cản trong việc gắn kết các quốc gia. Song Seng Wun - nhà kinh tế học tại Ngân hàng tư nhân CIMB của Singapore - người đã theo dõi sự phát triển của khu vực trong hơn 2 thập kỷ nhận định, trong một tổ chức chung, vẫn còn một số nước hành xử theo cách đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của toàn khối.
Thừa nhận kết nối ở ASEAN chưa chặt chẽ, ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao Việt Nam phân tích, có cả 2 nhóm nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, đây là một cộng đồng đa dạng về dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, hệ thống chính trị. Sự khác biệt quá lớn giữa các nước đã gây ra sự cản trở không nhỏ đến việc kết nối. Theo ông Thái, việc giữ vai trò trung tâm của ASEAN là việc rất cần thiết. “Chừng nào còn giữ được vai trò trung tâm, ASEAN sẽ nhận được sự tôn trọng của các nước, giúp thu hút được vốn đầu tư và quyết định được nhiều việc quan trọng. Nhất là những vấn đề sát sườn như vấn đề Biển Đông chẳng hạn, đấy là vấn đề của khu vực Đông Nam Á, vấn đề của ASEAN thì ASEAN phải có tiếng nói”, ông Thái nhấn mạnh.Về lĩnh vực kinh tế, các chuyên gia lưu ý, DN trong khối vẫn phải đối mặt với những hạn chế mặc dù đã có lộ trình loại bỏ các rào cản thương mại và tạo ra một thị trường duy nhất để cho phép luồng hàng hóa, dịch vụ và lao động di chuyển tự do đã được đề ra. TS Fatinma, Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) lưu ý, hiện thủ tục quy định xuất khẩu giữa các nước còn rườm rà và cần phải cải thiện cơ chế một cửa hơn nữa. Ngoài ra, sự phát triển của thương mại điện tử, kinh tế số đòi hỏi nhiều đầu tư về hạ tầng, trong đó có hệ thống Internet băng thông trộng, logistics (kho bãi, vận chuyển)... để tạo điều kiện cho hàng hoá luân chuyển dễ dàng trong khối. Theo TS Ponciano Intal Jr., chuyên gia kinh tế cao cấp của ERIA, việc gia tăng các rào cản phi thuế quan cũng là một hạn chế trong kết nối “mềm”, ảnh hưởng tới thương mại và sự luân chuyển hàng hóa tại các quốc gia thành viên. Nhiều quốc gia cần thay đổi cách tiếp cận, quy trình cấp phép, TS Ponciano Intal Jr. nhấn mạnh.