Covid-19 làm lộ lỗ hổng của chuỗi cung cứng toàn cầu
Tại Hội đàm, PGS TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã phân tích các tác động của đại dịch đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, logic phát triển mới của thế giới nổi lên gần đây là các cường quốc châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc trỗi dậy, thu hút các nguồn lực thế giới như vốn, công nghệ, đầu tư đổ về châu Á. Trong bối cảnh đó, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đại dịch đã làm bộc lộ những hạn chế của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, đó là việc mất cân bằng, “sự lệ thuộc kinh tế toàn cầu vào một điểm, một khâu, một quốc gia, khiến cho nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết”.
Hệ lụy của quá trình phát triển này, theo ông Thiên, khiến thế giới phải nhìn nhận những rủi ro, như đại dịch, là thách thức chung cần giải quyết, bởi khả năng đứt chuỗi liên tục có thể trở thành “trạng thái bình thường mới”, qua đó thay đổi xuất phát điểm của thế giới.
Cũng tại Hội đàm, đại diện một doanh nghiệp vận tải cho biết các biện pháp dẫn đến hạn chế vận tải đường bộ như kiểm soát, cách ly, giãn cách hay hạn chế hoạt động của vận tải hàng không như xét nghiệm đội bay, hộ chiếu vaccine, phương án nối chuyến..., đã dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng, gây thiếu hụt lao động, gia tăng chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Khả năng tác động cho tới năm 2023
Theo TS Trần Toàn Thắng – Trưởng ban Dự báo Kinh tế Ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, Covid-19 đã thúc đẩy sự dịch chuyển chuỗi cung ứng vốn đã diễn ra trước khi đại dịch bùng phát theo 4 xu hướng chính: chuyển sản xuất về gần, đa dạng hóa, khu vực hóa, và nhân rộng chuỗi giá trị toàn cầu. Dù triển vọng toàn cầu vẫn sáng, nhưng những tác động của đại dịch lên doanh nghiệp "sẽ còn ảnh hưởng ít nhất cho tới năm 2023", ông Thắng dự báo.
Bên cạnh đó, ông Thắng cho biết, dựa theo một mô hình của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia thực hiện, trong giai đoạn đại dịch, hầu hết các chuỗi cung ứng mà Việt Nam dễ dàng tiếp nhận hay dễ dịch chuyển đến Việt Nam đều phù hợp với định hướng phát triển hoạt động xuất-nhập khẩu của Việt Nam.
"Do đó, trong bối cảnh dài hạn, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng", ông nói.
TS Trần Toàn Thắng – Trưởng ban Dự báo Kinh tế Ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, |
Bình luận về các thông tin và nhận định mà các diễn giả đã chia sẻ, GS TS Heribert Dieter, Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế và an ninh, CHLB Đức, nhận định, trở ngại chính đối với sự phục hồi của chuỗi cung ứng là chi phí vận chuyển, nhất là trong bối cảnh chi phí vận chuyển container từ Đông Á sang châu Âu đã tăng gần 10 lần.
Theo ông Dieter, sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng sẽ tạo ra những cơ hội cho một số nền kinh tế như Việt Nam hay Ấn Độ. Tuy nhiện, các tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục kéo dài và chi phí vận chuyển sẽ khó quay lại mức bình thường trước năm 2023 hay 2024.
Để Việt Nam có một chuỗi cung ứng “khỏe mạnh” hơn
Từ việc phân tích và thảo luận về những tác động của đại dịch đối với chuỗi cung ứng, các diễn giả đã đưa ra các khuyến nghị nhằm hướng đến việc giải quyết hiệu quả các thách thức trong đại dịch và sự phục hồi sau đại dịch của tổng thể nền kinh tế, lĩnh vực logistic và các ngành nghề liên quan.
PGS TS. Trần Đình Thiên lưu ý, năng lực sản xuất của thế giới vừa qua tăng về cả kinh tế vật thể lẫn kinh tế số - một phần quan trọng của chuỗi cung ứng hiện đại. Xu hướng chủ đạo này sẽ quyết định sự chuyển đổi của nền kinh tế toàn cầu. “Trung Quốc, châu Âu và Mỹ đang dần chuyển sang kinh tế công nghệ cao, điều đó lý giải sự phục hồi mạnh trong năm đại dịch thứ hai. Nền kinh tế số giúp giải quyết một số vấn đề vật thể như chuỗi cung ứng, logistic…, dù chưa hoàn toàn”, ông Thiên nói.
Từ đó, ông Trần Đình Thiên đề xuất hai công cụ để đảm bảo tính thống nhất, liên kết của chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, thứ nhất, công nghệ cao phải được sử dụng vào những mục đích của phát triển chung, trên nền tảng luật chơi thống nhất trên toàn cầu. Thứ hai là cần tư duy lại để tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu bền vững, có những dự báo tốt để tránh những rủi ro bất thường.
Trong khi đó, PGS TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam nhận định, Việt Nam có sự hội nhập cao, là điều thuận lợi và là “phương tiện” để đạt được tăng trưởng cao, với tỷ lệ thương mại/GDP chiếm trên 200%. Tuy nhiên việc này cũng khiến việc đứt gãy chuỗi cung ứng làm ảnh hưởng lớn tới Việt Nam. Trung Quốc, Hàn Quốc là hai thị trường nhập khẩu hàng trung gian lớn nhất của Việt Nam, trong khi thị trường tiêu thụ hàng hóa chủ yếu ở Mỹ. Chi phí logistic của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao. Lực lượng lao động dồi dào tuy nhiên để chuyển đổi sang nền kinh tế-xã hội số thì vẫn cần được cải thiện về năng lực.
Trên cơ sở thực trạng đó, ông Nguyễn Anh Tuấn đưa ra một số đề xuất để cải thiện chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng như cho quá trình vừa chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội sắp tới. Đó là: đẩy mạnh sản xuất thay thế nhập khẩu, hướng nguồn FDI vào Việt Nam theo hướng này, đồng thời đa dạng hóa nguồn nhập khẩu mặt hàng trung gian, tránh lệ thuộc vào vài nguồn hàng duy nhất.
Tăng cường sản xuất vào các mặt hàng thiết yếu như lương thực, y tế, đặc biệt là phục hồi doanh nghiệp vừa và nhỏ, kích thích sức mạnh phát triển. Đồng thời, ưu tiên phát triển nguồn lực lao động có trình độ để bắt kịp với sự chuyển đổi nền kinh tế số.
Cuối cùng, ông Tuấn nhấn mạnh, quá trình chống dịch phải lưu ý tới ổn định xã hội và an ninh quốc gia, bởi dịch bệnh không chỉ là khủng hoảng y tế mà còn liên quan tới an sinh xã hội của người dân và doanh nghiệp, có thể dẫn đến những nguy cơ an ninh khác.
Đề cập tới triển vọng đối với nền kinh tế Việt Nam và mối quan hệ giữa CHLB Đức và Việt Nam, ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung tại Việt Nam khẳng định: "Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong khối ASEAN của Đức và cũng là lựa chọn hàng đầu trong những điểm đến đầu tư ở khu vực này. Nhắc đến Việt Nam, một tờ báo hàng đầu của Đức đã phân tích các cơ hội của đất nước trong bối cảnh mới qua bài viết có tiêu đề “Công xưởng của Thế giới không giao hàng” (“Die Fabrik der Welt liefert nicht"). Khi các biện pháp giãn cách được dỡ bỏ và chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh, một thời kỳ bình thường mới sẽ bắt đầu với các động lực kinh tế được tái khởi động”. |