Các công nhân may mặc đang chờ tiêm vaccine ở một khu công nghiệp tại Phnompenh. Ảnh: Reuters |
Theo Nikkei Asia, một tập thể gồm 33 công đoàn và nhóm quyền lao động từ Campuchia trong tuần này đã viết thư cho các thương hiệu lớn - bao gồm Adidas, H&M, Levis, Nike, Puma, Target, Gap, C&A và VF Corp. - kêu gọi hành động.
Trong thư khẳng định, chỉ trong thời gian Campuchia bị phong tỏa toàn quốc hồi tháng 4-5, các lao động đã mất khoảng 117 triệu USD tiền lương – số liệu dựa trên một nghiên cứu về 114 nhà máy do các công đoàn địa phương và Chiến dịch quần áo sạch thực hiện.
Nhóm này cũng cho biết, hơn 700.000 công nhân may mặc của Campuchia đang bị nợ 393 triệu USD tiền lương và phải thôi việc kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Các nhóm quyền lao động khẳng định, con số thiệt hại này có thể còn cao hơn do các nhà máy không trả lương thôi việc theo quy định của luật lao động Campuchia. Năm ngoái, Bộ Lao động Campuchia đã khuyến cáo các nhà máy đóng cửa vì kinh tế khó khăn nên họ không phải bồi thường thiệt hại hoặc báo trước.
Trao đổi về vấn đề này với Nikkei Asia, Adidas cho biết, tập đoàn Đức cam kết trả lương công bằng và đảm bảo tài chính cho các nhà nhà cung cấp chính để chống chọi với đại dịch.
"Phần lớn các nhà máy cung cấp của chúng tôi (đã) duy trì lực lượng lao động, mặc dù số giờ làm bị giảm do ngừng hoạt động," hãng cho biết.
Trong khi đó, Puma cho biết lá thư của các công đoàn Campuchia không đề cập đến các nhà máy cung cấp cho Puma, trong khi đó, tập đoàn này đã cố gắng giảm thiểu tối đa việc hủy đơn hàng.
Người phát ngôn của Puma nói với Nikkei Asia: “Ở Campuchia, chúng tôi chỉ hủy 0,2% đơn hàng may mặc. Số lượng nhà máy làm việc không giảm trong đại dịch."
Nhà phân tích công nghiệp Sheng Lu cho biết các thương hiệu đang trở nên tự tin hơn khi các nền kinh tế phục hồi và chương trình tiêm chủng ở Mỹ và châu Âu có tiến triển. Tuy nhiên, những thách thức lớn, bao gồm sự thiếu ổn định và chi phí gia tăng vẫn còn.
Ông Lu cho biết: “Mọi thứ đều trở nên đắt đỏ hơn trong năm nay, từ chi phí vận chuyển và hậu cần, nguyên liệu dệt may cho đến nhân công. "Sự trỗi dậy bất ngờ của các trường hợp Covid-19 vào mùa hè năm 2021, đặc biệt là biến thể Delta đã gây ra những bất ổn mới cho thị trường."
Trong trường hợp của Campuchia, đại dịch kéo theo những hệ lụy khác cho thương mại. Năm ngoái, nước này đã mất một số ưu đãi thương mại châu Âu do vấn đề nhân quyền. Xuất khẩu quần áo, giày dép và các sản phẩm liên quan của nước này sang EU giảm 14% so với cùng kỳ trong năm tháng đầu năm 2021.