Covid-19 và năm sóng gió của WHO

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa trải qua một năm nhiều biến động, từ đại dịch Covid-19, được xem là thách thức lớn nhất trong lịch sử 73 năm thành lập cơ quan của Liên Hợp quốc (LHQ), rồi Mỹ chính thức thông báo rút khỏi tổ chức này, đến những khó khăn trong việc đảm bảo sự công bằng đối với vaccine ngừa Covid-19.

Các quan chức WHO dự phiên họp về đại dịch Covid-19 hồi tháng 3/2020. Ảnh: AP
Gặp khó trong điều tra nguồn gốc Covid-19
WHO hiện đang chịu sức ép lớn phải thực hiện yêu cầu mà các nước thành viên đưa ra nhằm điều tra độc lập về cách thức Covid-19 lây lan từ động vật sang người. Đã hơn 1 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại TP Vũ Hán (Trung Quốc) nhưng nguồn gốc thực sự của virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được xác định rõ ràng. Các nhà khoa học ban đầu cho rằng virus SARS-CoV-2 lây từ động vật sang người tại chợ hải sản Hoa Nam ở TP Vũ Hán - nơi ca mắc đầu tiên được phát hiện cuối năm 2019. Tuy nhiên, giới khoa học Trung Quốc hồi tháng 2/2020 đã phủ định và cho rằng do một "bệnh nhân số 0" đã mang virus tới đây, sau đó, khu chợ đông đúc với điều kiện vệ sinh kém này đã trở thành môi trường thuận lợi để virus lây lan trong người dân.

Nhiều tháng qua, WHO đã thúc đẩy việc cử nhóm chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Nhóm 10 chuyên gia quốc tế của WHO đã bay từ Singapore đến TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào ngày 14/1/2021 để tìm hiểu nguồn gốc virus SARS-CoV-2. WHO khẳng định cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây Covid-19 sẽ không nhằm mục đích “tìm kiếm ai đó để đổ lỗi". Thay vào đó, việc giải quyết bí ẩn về giả thiết SARS-CoV-2 lây nhiễm từ động vật sang người là rất quan trọng để ngăn chặn một đại dịch khác.

TS Fabian Leendertz thuộc Viện Robert Koch của Đức nói: “Mục đích của chuyến đi là để tìm ra khi nào virus bắt đầu lan truyền và liệu nó có nguồn gốc ở Vũ Hán hay không. Sau đó xem liệu dựa trên những dữ liệu đó, chúng ta có thể cố gắng giảm thiểu rủi ro trong tương lai hay không".

Mỹ “tuyệt giao”

Đúng thời điểm dịch Covid-19 lây lan khắp các châu lục, ngày 6/7/2020, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã khởi động quá trình rút khỏi WHO bằng thông báo chính thức tới Quốc hội nước này và tới Tổng Thư ký LHQ. Theo đó, việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ có hiệu lực kể từ ngày 6/7/2021. Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric cũng xác nhận thông báo của Mỹ. Theo ông Dujarric, dựa vào các điều kiện đặt ra khi Mỹ gia nhập WHO năm 1948, nước này có một năm để hoàn tất quá trình rút cũng như để thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác.

Trước khi chính thức khởi động quá trình “tuyệt giao”, ông chủ Nhà Trắng đã thông báo Mỹ chấm dứt quan hệ với WHO khi cáo buộc tổ chức này không thực hiện các cải cách mà Mỹ cho là rất cần thiết. Trước đó, hồi tháng 4/2020, Tổng thống Trump đã tuyên bố Mỹ tạm dừng đóng góp tài chính cho WHO để chờ kết luận điều tra về phản ứng của tổ chức này được ông đánh giá là "đáng thất bại" đối với dịch Covid-19.

Việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng như phòng chống như dịch cúm được cho là sẽ gây nhiều nguy hiểm chết người trong thập kỷ tới. Cùng với đó, việc cải tổ WHO là cần thiết nhưng sự cải tổ đó sẽ không hiệu quả nếu không có sự tham dự của Mỹ với tư cách một quốc gia thành viên.
 Ảnh minh họa
Các đồng minh ở châu Âu cũng bày tỏ lo ngại về việc Mỹ rút khỏi WHO và ngưng đóng góp về mặt tài chính do vai trò áp đảo của Washington trong việc tài trợ cho tổ chức này. Theo người phát ngôn Chính phủ Đức Martina Fietz, quyết định này là "bước thụt lùi trong hợp tác toàn cầu", đặc biệt khi thế giới đang cần hành động chung trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Năm 2019, Washington đã đóng góp cho tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ này hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% tổng ngân sách của WHO. Vì vậy, động thái của Mỹ được cho là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực phản ứng với dịch Covid-19, cũng như các mối đe dọa y tế khác của WHO, gây trở ngại cho nỗ lực đối phó với dịch bệnh trên toàn cầu.

Kế hoạch COVAX đối mặt sức ép tài chính

Hiện đã có 172 quốc gia nhất trí tham gia kế hoạch mang tên COVAX nhằm bảo đảm sự tiếp cận công bằng và rộng rãi với vaccine ngừa Covid-19. COVAX là một chương trình do WHO cùng hai tổ chức gồm Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) và Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) lên kế hoạch. Đây được coi là kế hoạch phát triển vaccine lớn nhất, nhanh nhất trên thế giới với mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vaccine cho người dân toàn cầu vào năm 2021.

Mục tiêu then chốt của COVAX là cung cấp đủ liều lượng vaccine cho 20% dân số các quốc gia tham gia chương trình. Tuy nhiên, vấn đề tài chính vẫn đang là một trở ngại đối với tham vọng của WHO. Deborah Gleeson - giảng viên cấp cao tại Đại học La Trobe cho biết: “Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu cung cấp vaccine cho 20% dân số của tất cả các quốc gia tham gia vào COVAX vì chưa có đủ vốn đầu tư”.

Theo một báo cáo được GAVI công bố vào tháng 10/2020, COVAX vẫn còn thiếu khoảng 200 triệu USD cho mục tiêu gây quỹ 2 tỷ USD trong năm 2020. GAVI dự báo quỹ này cũng cần ít nhất 5 tỷ USD vào năm 2021. Số tiền này để đặt trước vaccine ngừa Covid-19 cho khoảng 92 nước nghèo, trong khi những quốc gia giàu có thì tự thanh toán. Các quốc gia tự chi trả bao gồm các nền kinh tế giàu có như Anh và Nhật Bản, bên cạnh các nền kinh tế có thu nhập trung bình như Thái Lan và Gabon.

Trong nỗ lực để tăng nguồn tài chính cho hoạt động trong năm 2021, chuyên gia sức khỏe toàn cầu gốc Ấn Độ Anil Soni vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành - CEO đầu tiên của quỹ tài chính mới thuộc WHO. Ông Soni từng đảm nhiệm vị trí cố vấn cấp cao cho Quỹ Bill & Melinda Gates (tổ chức đóng góp lớn thứ hai cho ngân sách của WHO, sau Đức), chính thức đảm nhiệm vị trí này từ đầu năm 2021.

Mặc dù Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden tuyên bố ông muốn Mỹ gia nhập trở lại WHO sau khi ông nhậm chức vào tháng 1/2021, ông Soni cho rằng, cơ quan y tế toàn cầu cần phải linh hoạt hơn trong việc huy động ngân sách để thích ứng với những thay đổi.

WHO và GAVI đang kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp cho Cơ chế ACT-Accelerator nhằm phân phối vaccine, phương tiện điều trị và xét nghiệm công bằng tại các quốc gia, bất kể giàu nghèo. Cơ chế này hiện đang thiếu 4,3 tỷ USD vốn hoạt động khẩn cấp và 23,9 tỷ USD trong năm 2021. Theo Cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward, hiện tài chính là vấn đề duy nhất đang ngăn thế giới thoát khỏi đại dịch Covid-19 nhanh nhất có thể.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần