Tất cả đều chủ ý tăng cường hiện diện quân sự trực tiếp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương lâu nay và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tới đây. Tất cả đều muốn gây dựng và tăng cường vai trò chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng ở khu vực lớn này. Họ đều đã đưa ra chiến lược riêng và EU mà Pháp, Hà Lan và Đức đều là thành viên cũng đã công bố chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Anh thậm chí còn cùng Mỹ và Australia thành lập liên minh an ninh ba bên (AUKUS) với định hướng trọng tâm và ưu tiên hàng đầu là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong tất cả các chiến lược ấy đều không thiếu vắng mục tiêu gây dựng vai trò chính trị an ninh thông qua hiện diện quân sự trực tiếp ở khu vực. Dù là tầu chiến nhỏ hay hạm đội lớn, thông điệp chung của họ đều là khu vực rộng lớn này là khu vực lợi ích chiến lược hiện tại cũng như lâu dài của họ và họ không "đánh trống bỏ dùi" hay "đầu voi đuôi chuột" với chiến lược của họ cho khu vực.Họ còn tương đồng nhau ở thông điệp gửi tới Trung Quốc. Họ đều tuyên bố không khiêu khích hay gây chuyện với Trung Quốc khi tăng cường hiện diện hải quân ở khu vực và thúc đẩy quan hệ hợp tác quân sự, quốc phòng và an ninh với các đồng minh hay đối tác chiến lược của họ ở khu vực nhưng kiên quyết không để cho Trung Quốc thay đổi hiện trạng ở các khu vực biển nói trên bằng vũ lực hay quân sự hoá các nơi đó và cản trở tự do hàng hải trong khu vực. Từ đó có thể thấy tuỳ theo hành động cụ thể của Trung Quốc ở khu vực mà những nước bên ngoài khu vực có cùng cách mưu tính chiến lược như trên sẽ xác định với nhau mức độ thống nhất quan điểm và phối hợp hành động cụ thể về chính trị quân sự và an ninh ở khu vực này.