Cúng Rằm tháng 8 Trung thu vào giờ nào đẹp nhất, mâm lễ cần những gì?

Khang Nhi (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày Rằm tháng 8 cũng là Tết Trung thu, là ngày lễ lớn không chỉ với trẻ em mà còn với tất cả mọi người. Bởi vào ngày này, những người thân yêu trong gia đình sẽ đoàn tụ thể hiện sự chăm sóc, báo hiếu, biết ơn ông bà, cha mẹ.

Mâm lễ cúng Rằm tháng 8 luôn được các gia đình chuẩn bị một cách tươm tất, đầy đủ và thành tâm. Ngoài những vật phẩm truyền thống như hương, hoa, đèn, nến, xôi, gà, gạo muối, mâm cúng còn cần có là các loại bánh Trung thu (bánh dẻo, bánh nướng), có thể dâng cả bánh cốm.

Một mâm cỗ trung thu được sắm sửa cụ thể ra sao còn tùy thuộc vào truyền thống; cũng như phong tục của từng địa phương, mang theo những nét đặc trưng về văn hóa riêng. 

Theo phong tục dân gian, ngày Tết Trung thu nhà nhà treo đèn lồng, rước đèn ngắm trăng, múa lân đốt pháo… Bên cạnh đó, mọi nhà đều phải cúng rằm với mâm cỗ đầy đủ để cầu mong được bình an, các thành viên trong gia đình luôn khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn, tài lộc.

Mâm cúng rằm tháng 8. Ảnh: Internet
Mâm cúng rằm tháng 8. Ảnh: Internet

Mâm lễ cúng gia tiên ngày Tết Trung thu ngoài những món ăn truyền thống thì bao giờ cũng phải có: Bánh nướng, bánh dẻo, các loại hoa quả, hương hoa và đèn nến...

Bánh nướng, bánh dẻo là món quan trọng nhất trong mâm cỗ dịp Trung Thu. Ngày xưa, 2 loại bánh này chỉ có nhân thập cẩm, tạo dáng hình vuông to, hoa văn họa tiết đơn giản. Thế nhưng ngày nay đã có rất nhiều kiểu bánh mới, đẹp mắt với nhiều hình dáng vuông, tròn, to nhỏ và nhiều hương vị để lựa chọn hơn (ví dụ: Bánh nhân hạt sen, nhân đậu xanh….). Một mâm cỗ thường có 1 hộp gồm 4 chiếc bánh, đặt ngay ngắn đẹp đẽ.

Mâm cỗ Trung thu dành cho trẻ nhỏ. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Mâm cỗ Trung thu dành cho trẻ nhỏ. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Mâm cỗ Trung Thu truyền thống thường có hồng ngâm, hồng đỏ, dưa hấu, táo, bưởi… được tạo hình thành khéo léo thành các con vật ngộ nghĩnh như cá, chó, nhím… Để mâm cỗ trông đẹp mắt hơn, cần phải chú ý tới màu sắc của các loại quả. Chú ý chọn những loại trái cây khác nhau, có loại quả xanh, quả chín để âm dương hài hòa. Đặc biệt, mâm ngũ quả gồm một nải chuối chín vàng, hồng đỏ với ý nghĩa cầu mong cuộc sống no đủ; quả na tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở; quả bưởi tượng trưng cho những điều tốt lành; quả lựu trượng trưng cho may mắn. Mâm ngũ quả nên có xanh có chín vì người xưa quan niệm quả xanh mang tính âm, trái chín mang tính dương. 5 loại quả tượng trưng cho ngũ hành. Mâm cỗ trông trăng còn có các loại đồ chơi truyền thống như đèn ông sao…

Một trong những món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết Trung thu xưa nay chính là món xôi cốm. Được chế biến từ 3 nguyên liệu là đậu xanh, cốm non và dừa nạo, xôi cốm mang hương vị thơm ngon, ngọt thnah của đất trời. Nó còn mang ý nghĩa của sự quây quần bên nhau, ấm cúng của cả gia đình.

Mâm cỗ cúng cũng không thể thiếu các loại đèn đặc trưng để trang trí cho bắt mắt như đèn ông sao, đèn cù, đèn con thỏ… được thắp nến tỏa ánh sáng lung linh. Mâm cỗ sẽ trở nên đặc sắc hơn, khiến không gian xung quanh trở nên ấm áp và gần gũi. Đồng thời, sau khi phá cỗ, chúng sẽ được dùng để làm món quà ý nghĩa cho các em bé trong gia đình.

Bài khấn cúng lễ Rằm Trung thu không quá cầu kỳ, phức tạp bởi đây là lễ đoàn viên, tạ ơn nên thường chuẩn bị mâm cỗ hoa quả, bánh kẹo cho trẻ nhỏ để phá cỗ trông trăng, ngoài ra gia chủ có gì thì cúng thêm thứ đó không bắt buộc.

Quan niệm xưa cho rằng các vị thần thường dùng bữa sớm, chính vì vậy cần xác định trước cúng vào bữa sáng hay bữa chiều.

Có thể là chiều 14 âm lịch hoặc chiều 15 âm lịch, cúng xong trước 6 - 7 giờ tối. Hoặc sáng 15 âm lịch, cúng xong trước 9 - 10 giờ sáng.

Tết Trung thu hay ngày Rằm tháng 8 năm 2022 đang đến gần bởi vậy để có một ngày Trung thu ý nghĩa, một mùa tết đoàn viên sum vầy, các gia đình thường lên kế hoạch vui chơi, thăm hỏi, đoàn tụ người thân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần