Chỉ cách đây 3 năm, người dân Trung Quốc vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt, nhưng cuộc cách mạng “không tiền mặt” đã diễn ra nhanh chóng. Theo Công ty tư vấn iResearch, năm 2016, thanh toán số ở Trung Quốc trị giá khoảng 5,5 nghìn tỷ USD, gấp khoảng 50 lần thị trường của Mỹ.
Chỉ với một chiếc smartphone được kết nối với tài khoản ngân hàng hoặc có các phần mềm thanh toán, người Trung Quốc có thể thanh toán mọi khoản chi phí mua sắm, thanh toán tiền điện, nước, chuyển tiền, thậm chí có thể nộp phạt giao thông qua mạng. Cả những người bán hàng trên đường phố hay trong các trung tâm mua sắm, các ga tàu... đều thanh toán dựa trên các ứng dụng này.
Một người dân sử dụng ứng dụng thanh toán điện tử tại một quầy hàng. |
Thanh toán điện tử đã trở thành một phần trong lối sống hiện nay. Mỗi DN và thương hiệu của Trung Quốc đều tích hợp với hệ sinh thái thanh toán thông minh. Thậm chí, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu, người dùng của WeChat đã gửi 46 tỷ lượt "lì xì" ảo.
Các công ty công nghệ đã nhanh chóng tham gia vào xu hướng này. Vào thời điểm Tencent Holdings Ltd. phát hành ứng dụng truyền thông xã hội WeChat năm 2011, ứng dụng này cung cấp cho người dùng các mã được cá nhân hóa có thể được sử dụng để trao đổi thông tin liên lạc. Khi kết hợp với ví tiền được tích hợp trong ứng dụng, người dùng có thể sử dụng để thanh toán các khoản phí. Trong khi đó, ứng dụng WeChat Pay cho phép mọi người có tài khoản ngân hàng và smartphone có thể trả các khoản phí bằng phương thức thanh toán điện tử. Thị phần của WeChat trong thị trường thanh toán di động của Trung Quốc đã tăng từ 3,3% trong năm 2013 lên 40% trong năm nay.
Quá trình chuyển đổi phương thức thanh toán tại Trung Quốc cũng cung cấp một cái nhìn về xu hướng trong tương lai. Sự thành công này cho thấy, việc thanh toán thông qua các ứng dụng đang nở rộ ở các thị trường mới nổi, nơi mà các DN vừa và nhỏ chiếm đa số không có nhiều nguồn vốn để đầu tư cho hệ thống thanh toán đắt đỏ. Bên cạnh đó, thanh toán số là một phần của dự án "tài chính xanh" đang được tiến hành ở Trung Quốc. Công nghệ “không tiền mặt” đem lại nhiều hiệu quả hơn khi cắt giảm chi phí lên đến 75% của chính phủ và các DN, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng thấp (chỉ khoảng 16% vào năm 2014) trong khi các thiết bị di động thông minh được sử dụng rộng rãi giúp Trung Quốc dễ dàng thực hiện quá trình chuyển đổi này.
Tại các nước đang phát triển khác, các dấu hiệu chuyển đổi sang thanh toán số cũng cho thấy tiềm năng lớn. Năm 2016, MasterCard Inc đưa ra một hệ thống mã QR ở châu Phi và thu hút được 100.000 thương nhân Nigeria. Vào tháng 2, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra IndiaQR - nỗ lực mới nhất của nước này để triển khai cuộc cách mạng “không tiền mặt”. Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan cũng bắt đầu triển khai các bước đầu tiên.