Thời gian qua, Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu mặc sức tăng cường trợ cấp đối với ngành công nghiệp trong cuộc đua mới của thời đại 4.0.
Theo Global Trade Alert, đã có khoảng 18.000 gói trợ cấp được ba thế lực kinh tế trên đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Với mức trợ cấp 361 tỷ USD/năm cho các ngành công nghiệp, ba ông lớn này đã tiêu một số tiền thậm chí còn lớn hơn GDP của 4/5 quốc gia trên thế giới.
Trái ngược với các chương trình bảo trợ trước đây chỉ mục đích bảo vệ ngành công nghiệp trong nước trước làn sóng nhập khẩu, các khoản trợ cấp hiện nay có phạm vi toàn cầu, đặc biệt với nhóm ngành công nghệ cao.
Theo các tổ chức quốc tế, những gói trợ cấp khổng lồ này đang làm phát sinh một vấn đề đặc biệt đối với các nền kinh tế nhỏ hơn, vốn không thể nào bắt kịp họ.
Australia là ví dụ điển hình khi Canberra không những chưa thể bắt kịp với các mức trợ cấp công nghiệp mới mà còn có nguy cơ bị lôi kéo về phía Washington khi cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung đang tiếp diễn, phương hại mối quan hệ kinh tế giữa nước này với Trung Quốc.
Khi hiệp ước khoáng sản Australia-Mỹ được ký vào tháng 5/2023, hàng ngàn thỏa thuận hợp tác nghiên cứu giữa Bắc Kinh và Canberra có nguy cơ bị đe dọa, đặc biệt nếu Mỹ tăng cường hạn chế xuất khẩu chip sang các nước tập trung phát triển công nghệ.
Không những vậy, gần như các chính sách công nghiệp của Canberra đang chuyển dần trọng tâm sang đảm bảo an ninh quốc gia, thay vì tập trung phát triển kinh tế như trước đây.
Giờ đây mọi việc đang khó khăn hơn khi các hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về trợ cấp gây ảnh hưởng tiêu cực đến đối thủ cạnh tranh đang dần tụt hậu và không điều chỉnh được.
Hiện cả Mỹ và Trung Quốc đều đổ tiền để trợ cấp ngành công nghệ cao phục vụ cuộc chiến chip bán dẫn giữa hai siêu cường, khi Bắc Kinh cố gắng đuổi kịp Washington trong lĩnh vực này.
Bất chấp việc không trực tiếp sản xuất một số lượng lớn chip trên lãnh thổ, hai siêu cường này vẫn dồn mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ phát triển và sản xuất chip tiên tiến.
Theo các chương trình được công bố vào tháng 10/2022, Mỹ đã áp dụng hai chính sách trợ cấp sản xuất chip tiên tiến trong nước, đồng thời dàn xếp với các đồng minh của mình để ngăn cản Trung Quốc tiếp cận nguồn chip tiên tiến và máy móc sản xuất chúng.
Nhờ mối quan hệ thân thiết với Đài Loan và Hà Lan, Washington đã thành công trong việc ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận nguồn nguyên liệu quan trọng đối với các ngành công nghiệp này. Đồng thời, nền kinh tế số một thế giới cũng chi hàng tỷ USD cho công ty sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan TSMC và Samsung của Hàn Quốc để thành lập các cơ sở sản xuất chip tiên tiến tại Mỹ.
Không những vậy, Mỹ cũng ngày càng thể hiện rõ ý định cản trở Trung Quốc tiếp cận những tiến bộ trong công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ quân sự.
Về phía Trung Quốc, mặc dù là nơi sản xuất 16% lượng chip của thế giới, nhiều hơn cả Mỹ, nhưng nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn chưa thể sản xuất nhiều loại chip tiên tiến như Mỹ làm được.
Đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, doanh nghiệp Trung Quốc đang gặp khó do thiếu chip tiên tiến.