Cuộc chiến dầu mỏ và hệ lụy toàn cầu 

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc chiến dầu mỏ trên thị trường dầu mỏ toàn cầu đang ngày càng nóng và bột phát bởi những động lực chính trị, biểu hiện dưới nhiều hình thái mới, chưa từng có, thay vì chỉ chủ yếu tập trung vào sự cạnh tranh giành giật thị phần thông qua công cụ giảm giá bán.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Gia tăng xu hướng đảo chiều và thiếu hụt nhiều nguồn cung

Giá dầu thô Brent đã tăng tới 18% lên mức 139,13 USD/thùng (cao nhất kể từ tháng 7/2008) trong phiên giao dịch mở cửa sáng 7/3, dù sau đó hạ xuống còn 128,02 USD/thùng… Trong tuần đầu tháng 3/2022, giá dầu Brent đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2012 và dầu WTI lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2008. Giá dầu thô đã ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất kể từ giữa năm 2020, với giá dầu Brent tăng 21% còn giá dầu WTI tăng 26%.

Đồng thời, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu ngày 7/3 đạt mức kỷ lục, tăng 6,23% lên 5,061 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 4/2022.

Giá dầu thế giới tăng vọt sau khi có thông tin Mỹ đang thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga. Các nhà giao dịch gần như không thể bán được dầu của Nga trong cả tuần qua dù chào thầu với mức giá ưu đãi (dầu Urals của Nga chiết khấu, giảm giá lên đến 20 USD/thùng so với dầu Brent Biển Bắc) bởi người mua lo ngại về những rắc rối có thể xảy ra liên quan đến nghiệp vụ bảo hiểm, logistic, tín dụng thư… cũng như khả năng có thêm biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Khách hàng, đặc biệt là những nhà nhập khẩu ở châu Âu, đã bắt đầu chuyển sang nhập khẩu dầu từ Trung Đông.

Sự đáp trả của Nga cũng khiến cuộc chiến dầu mỏ nóng bỏng thêm: Theo hãng tin RT (Nga) ngày 5/3, đường ống Yamal-Europe đã tạm dừng tất cả các nguồn cung cấp gas sang hướng Tây, điều đó có nghĩa là dòng chảy từ Nga sang Đức đã bị đình chỉ vô thời hạn... Moscow đang đáp ứng gần 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu thông qua đường ống này và việc ngừng cung cấp khiến giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt và đã chạm mốc hơn 200 euro (tương đương 218 USD)/MWh. Trong khi đó, tại Australia, giá than giao sau vượt 400 USD/tấn.

Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC+) tại cuộc họp ngày 2/3/2022 đã ra quyết định giữ nguyên kế hoạch chỉ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới, chiếm 6% trữ lượng dầu mỏ và 20% trữ lượng khí đốt tự nhiên trên thế giới, năm 2020, Nga là nhà sản xuất dầu mỏ và chất lỏng khác lớn thứ ba thế giới (sau Mỹ và Saudi Arabia) và là nhà sản xuất khí tự nhiên lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ). Mỗi ngày, Nga xuất khẩu 4-5 triệu thùng dầu và chuyên chở khoảng 2,5 triệu thùng dầu sang châu Âu để đáp ứng hơn 25% nhu cầu dầu thô của cả Liên minh châu Âu (EU); Trong đó, 1/3 sản lượng này là qua tuyến đường ống Druzhba chạy qua lãnh thổ Belarus. Châu Âu là thị trường chính của Nga về xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Và cũng là nguồn thu chính của nước này. Đổi lại, Nga là nhà cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên chính cho châu Âu; trong đó, Đức là khách hàng lớn nhất của Nga tiếp theo là Italy và Pháp.

Thị trường dầu mỏ thế giới thời gian tới sẽ chịu sự chi phối sâu sắc và kéo dài như là hệ quả của những chuyển dịch địa chính trị và địa kinh tế quốc tế nói chung, cũng như về các hợp đồng dầu mỏ liên quốc gia nói riêng. Do đó, rất khó đoán định cả về xu hướng và thời gian.

Cuộc chiến dầu mỏ hiện nay gắn chặt với cuộc chiến thông tin và sự căng thẳng quan hệ Nga-Ucraina do việc “đổ thêm dầu vào lửa” một cách trực tiếp và gián tiếp từ Mỹ và nhiều thế lực bên ngoài hai quốc gia, vốn cùng chung nhiều đặc điểm dân tộc và văn hóa này.

Theo trang web Trading Economics, năm 2021 xuất khẩu của Nga đạt tổng cộng 493,3 tỷ USD, trong đó năng lượng chiếm 59,3%.

Nhằm giảm sức mạnh tài chính và phụ thuộc của Nga từ cung cấp dầu khí, có thể Mỹ và các nước phương Tây sẽ tăng nhanh sản lượng khai thác và tự bảo đảm năng lượng trong nước và tìm kiếm nguồn thay thế ngoài Nga.

Khó đoán định triển vọng cả về giá cả và xu hướng thị trường

Nguồn cung thiếu hụt, Mỹ và nhiều nước lớn phải dùng đến kho dự trữ chiến lược để cải thiện giá cả, song khó có thể kéo dài biện pháp này do giới hạn quy mô dự trữ dầu mỏ của mỗi nước. Nhiều chính quyền châu Âu sẽ phải can thiệp trực tiếp, như yêu cầu các hộ gia đình giảm tiêu thụ năng lượng chạy bằng khí đốt.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đưa ra bản kế hoạch 10 điểm để châu Âu giảm 1/3 nguồn khí đốt từ Nga ngay trong năm 2022. Giám đốc IEA Fatih Birol cho rằng các nước châu Âu không nên gia hạn hợp đồng với tập đoàn Gazprom (Nga) khi hết hạn vào năm 2022 và cần tăng cường xây dựng năng lượng dữ trữ khí đốt, tăng cường hiệu suất sử dụng năng lượng, đẩy nhanh lộ trình chuyển sang năng lượng tái tạo…

Tuy nhiên, đó là điều không dễ dàng; Không chỉ châu Âu dễ bị tổn thương trước việc bị cắt giảm nguồn cung khí đốt. Ở Mỹ, giá dầu tăng cao cũng là vấn đề rất nhạy cảm với người dân nước này. Cả Mỹ và châu Âu đều không có lợi ích chiến lược trong việc giảm nguồn cung năng lượng toàn cầu. Đặc biệt, giới chính trị gia tại các nước phụ thuộc năng lượng của Nga lo ngại điều đó có thể khiến cử tri sẽ quay sang phản đối chính quyền khi đối mặt với giá nhiên liệu, xăng dầu tăng.

Nga đang là nhà cung cấp dầu thô, khí đốt và than đá chính của EU. Thay thế nguồn cung khí đốt Nga là điều "nói dễ hơn làm" do hạn chế cả về cở sở hạ tầng và nguồn cung thay thế, cũng như giá cả và các chi phí cơ hội khác.

Nói như Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi sinh thái Pháp, bà Barbara Pompili tại hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên EU ngày 28/2/2022 để thảo luận cách thức giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga, thì: EU dù hiện có đủ nguồn dữ trữ khí đốt và dầu mỏ để đối tránh đứt gãy trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn còn nhiều khó khăn... Còn Kadri Simson, ủy viên năng lượng EU, khẳng định tại Nghị viện châu Âu hôm 3/3: Rõ ràng chúng ta không thể để cho bất kỳ quốc gia thứ ba nào gây bất ổn cho thị trường năng lượng, hay tác động tới các lựa chọn năng lượng của mình…!

Dù Mỹ là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, nhu cầu dầu mỏ của nước này vẫn vượt xa so với sản lượng nội địa. Mỹ vẫn cần nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, Canada, Mexico và Saudi Arabia và nhiều nước khác; trong đó, Nga cung cấp cho Mỹ khoảng 8% dầu mỏ và sản phẩm đã qua tinh chế (khoảng 3% nhập khẩu dầu thô) mà Mỹ nhập khẩu trong năm 2021 (tương đương 672.000 thùng/ngày)

Trong bối cảnh đó, có thể Mỹ sẽ buộc phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt ngành dầu mỏ đối của Venezuela và tìm cách gia tăng nguồn cung dầu trong nước cho bản thân và thế giới từ nguồn dầu khí đá phiến mà họ đang đi đầu trong công nghệ.

Về tổng thể, trong bối cảnh nhu cầu dầu thô trên toàn thế giới đã gần chạm các mức trước đại dịch, thì sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và không tăng nguồn cung từ OPEC + gắn với cuộc chiến cấm vận dầu mỏ đa mục tiêu do Mỹ thao túng đang và sẽ tiếp tục làm trầm trọng hơn tình hình thiếu hụt nguồn cung và chêch dòng chảy năng lượng trên toàn cầu trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần