Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc chiến tâm lý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vòng luẩn quẩn của những tranh cãi giữa Triều Tiên và các bên, đề xuất sẵn sàng tạm thời ngừng thử nghiệm hạt nhân nếu Mỹ và Hàn Quốc ngừng tiến hành tất cả các cuộc tập trận chung trong năm nay của Bình Nhưỡng đã gây bất ngờ lớn.

Tuy nhiên, phản ứng bác bỏ đề nghị này gần như ngay lập tức của Washington lại không gây bất ngờ. Bởi chuyện bên này hay bên kia đưa ra đề nghị mới hay bác bỏ đề nghị của nhau đã diễn ra từ lâu chứ không phải đến tận bây giờ mới có. Tuy nhiên mô thức hành xử kiểu này vẫn được các bên vận dụng bởi tất cả đều muốn và đều có nhu cầu tranh thủ và tác động chi phối dư luận. Họ vẫn làm găng với nhau trên thực địa và đồng thời duy trì cuộc chiến về tâm lý và trên truyền thông.

Việc Mỹ tập trận chung với Hàn Quốc và cả với Nhật Bản vừa là một trong những nội dung chính của hợp tác quân sự giữa các đối tác này, lại còn vừa là cách để trấn an Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như răn đe Triều Tiên. Không phải những biện pháp của Mỹ và Nhật Bản bao vây cấm vận và trừng phạt Triều Tiên về kinh tế, tài chính và thương mại mà chính sự hợp tác quân sự song phương và tay ba kia mới khiến Triều Tiên lo ngại an ninh hơn cả. Trong tình thế một mình chọi ba như vậy, Triều Tiên không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải dựa vào chương trình hạt nhân và tên lửa. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lại coi chương trình này của Triều Tiên là mối đe dọa an ninh chính. Bởi vậy, hai con chủ bài chiến lược cũng như sách lược của cả hai bên tưởng biệt lập nhau mà thật ra lại liên quan mật thiết đến nhau. Cho tới nay, cả hai phía vẫn ở trong vòng luẩn quẩn của bế tắc giải pháp chính trị thật ra vì chưa tin nhau, nếu như không muốn nói là vẫn không tin nhau. Có đề nghị đối thoại hay giảm căng thẳng nào được bên này đưa ra đều trước hết nhằm đề cao thiện chí của mình, tranh thủ dư luận ở khu vực và trên thế giới, tác động vào nội bộ từng nước và phân hóa bên kia với các đồng minh hay đối tác của họ. Vì thế, đề nghị nào của phía bên này cũng gần như bị phía bên kia bác bỏ ngay lập tức và rồi sau đó nhanh chóng đi vào bị quên lãng. Cả đề nghị mới đây của Hàn Quốc và Triều Tiên về cải thiện quan hệ song phương cũng đều đã như thế.

Sự tin cậy lẫn nhau giữa hai phía càng khó được gây dựng và củng cố khi đề nghị của họ đưa ra cho nhau luôn đi cùng điều kiện tiên quyết mà bên nào chấp nhận thì cũng đều không thể tránh khỏi bị mất thể diện và bị coi là yếu thế. Những điều kiện tiên quyết ấy khó được chấp nhận về nội dung đã đành mà còn càng thêm khó có thể được đáp ứng bởi tác động tai hại của việc đáp ứng về phương diện tâm lý và dư luận nội bộ đối với bên đáp ứng. Nhiều đề nghị đưa ra còn bị hiểu theo hướng tiêu cực trước tích cực. Người ta bị bất ngờ về thời điểm và bối cảnh các đề nghị được đưa ra, nhưng lại không bất ngờ về số phận cuối cùng của chúng.