Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị đình trệ thời gian qua, bất chấp việc thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 được ký cách đây hai năm đã hết hạn. Bloomberg dẫn nguồn quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn Trung Quốc có hành động cụ thể và đang tiếp tục thúc ép nước này tuân thủ thỏa thuận.
Cụ thể, Trung Quốc đã không thỏa mãn nhiều mục tiêu mua hàng trong thỏa thuận, như cam kết mua thêm so với năm 2017 là 200 tỷ USD hàng nông nghiệp, năng lượng và các sản phẩm do Mỹ chế tạo, trong 2 năm 2020 và 2021. Mỹ hiện chưa cập nhật dữ liệu tháng 12/2021, song dữ liệu tháng 11 cho thấy Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ chưa tới 60% so với cam kết.
Bên cạnh đó, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cũng nhiều lần nói rằng chính quyền Biden không chỉ lo ngại về vấn đề thực hiện các cam kết mua hàng của Trung Quốc, mà còn cả chính sách kinh tế lấy nhà nước làm trung tâm của Bắc Kinh. Theo thỏa thuận, Trung Quốc cũng đã cam kết chống lại hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ Mỹ và mở cửa thị trường nội địa cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính Mỹ.
Theo số liệu thương mại của Mỹ, nước này hiện vẫn coi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng hóa hàng đầu của mình, với 164,9 tỷ USD xuất khẩu cho gã khổng lồ kinh tế châu Á vào năm 2020 và 450,4 tỷ USD từ phía Trung Quốc. Các công ty Mỹ ưa chuộng Trung Quốc vì đây là thị trường tỷ dân, và là cơ sở sản xuất một số mặt hàng bán chạy nhất thế giới, từ iPhone của Apple đến ô tô của General Motors.
Chính quyền Biden nhiều tháng qua đã rà soát chính sách của chính quyền tiền nhiệm đối với Trung Quốc và cân nhắc hướng đi mới để đối phó với các hoạt động kinh tế của Bắc Kinh. Nhưng Mỹ đến nay vẫn duy trì thuế quan đối với hơn 300 tỷ USD hàng xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc. Đầu năm nay, Tổng thống Biden nói rằng hiện "vẫn chưa đạt đến" giai đoạn có thể tuyên bố Trung Quốc đang đáp ứng nhiều cam kết hơn để có thể dỡ bỏ một số hạng mục thuế quan.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên gần đây thì mô tả mối quan hệ thương mại của hai quốc gia là "đôi bên cùng có lợi". Ông nhấn mạnh: "Các vấn đề trong thương mại cần được giải quyết hợp lý trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và tham vấn bình đẳng".
SCMP dẫn lời ông Doug Barry, Phó chủ tịch truyền thông của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, một nhóm vận động gồm 265 thành viên ở Washington, nhận định: "Tôi chắc rằng cả hai bên đang xem xét nhiều vấn đề khác nhau mà họ có thể làm để gia tăng áp lực lên bên kia... Mỗi bên có thể sẽ tăng thuế nhập khẩu, trong khi các công ty hàng đầu của Mỹ có thể phải đối mặt với sức nóng hơn nữa trước cuộc đua vào Quốc hội cuối năm nay, buộc phải giảm bớt hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc".
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc tạm thời có thể sẽ không có hành động cụ thể nào để xoa dịu Mỹ. Một số người tin rằng các quan chức ở Bắc Kinh có thể đợi cho đến khi Tổng thống Biden làm rõ lập trường trong tranh chấp thương mại. "Nếu muốn giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thì chính quyền Biden phải làm rõ những kỳ vọng của họ đối với Trung Quốc", Jayant Menon, thành viên cấp cao của Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Khu vực của Viện ISEAS Yusof Ishak tại Singapore nói với SCMP.