Cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng Mỹ-Nhật Bản-Australia: Liên thủ đấu cùng đối thủ

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở Hawaii (Mỹ) vừa diễn ra cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng ba nước Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Từ trái sang: Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada.  
Từ trái sang: Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada.  

Nhật Bản và Australia đều là những đồng minh quân sự truyền thống chiến lược của Mỹ nhưng giữa ba nước này cho tới nay chưa hề có thỏa thuận hay hiệp ước về hợp tác quân sự hay thành lập liên minh quân sự ba bên. Ở Hawaii vừa rồi, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III lần đầu tiên đề cập đến "liên minh ba bên về quân sự".

Cuộc gặp này vốn không nhằm mục đích dọn đường mở lối cho việc thành lập liên minh quân sự giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia. Nhưng sự đồng thuận và nhất trí quan điểm giữa bộ ba này về các thách thức an ninh chung và riêng đối với họ lại đủ để cho thấy bộ ba này hiện đã liên thủ với nhau bền chặt và tin cậy, thống nhất quan điểm sâu rộng và phối hợp hành động hiệu quả đến mức trong thực chất chẳng khác gì liên minh với nhau.

Động lực quan trọng và quyết định nhất đối với họ là có cùng lợi ích trong việc đối phó cùng đối thủ. Cùng với Ấn Độ, ba nước này tạo thành cái gọi là Bộ Tứ cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhưng trên lĩnh vực quân sự và an ninh, họ không thể hợp tác được với Ấn Độ như hợp tác với nhau.

Trên những lĩnh vực ấy ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đối thủ chính của bộ ba này là Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, những khu vực điểm nóng về chính trị an ninh mà họ đặc biệt quan tâm và phải luôn sẵn sàng ứng phó về quân sự và chính trị an ninh là khu vực Đông Bắc Á, vùng biển xung quanh Đài Loan, khu vực Biển Đông và khu vực Nam Thái Bình Dương.

Bộ ba này không liên minh về quân sự bởi sự liên thủ của họ trong thực chất đã có được hiệu ứng thiết thực như liên minh. Họ không thể không liên thủ với nhau đơn giản bởi nếu đơn lẻ một mình thì không thể ứng phó thành công những gì mà họ coi là thách thức và đe dọa an ninh từ phía các đối thủ kia.