Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc gặp Putin - Tập có thể tạo bước ngoặt cho chiến tranh ở Ukraine?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Nga nhằm củng cố mối quan hệ đối tác “không giới hạn” mà ông và Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố hồi năm ngoái, hơn là về việc làm trung gian hòa bình ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Chưa thể có cơ hội cho "người hòa giải" ở Ukraine

Chuyến thăm Moscow 3 ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bắt đầu từ hôm nay (20/3), sẽ bao gồm các cuộc hội đàm trực tiếp với Tổng thống Nga Putin - người mà nhà lãnh đạo Trung Quốc đã mô tả là "bạn thân" của ông, hiện đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã về tội phạm chiến tranh.

Hội nghị thượng đỉnh ở Moscow sẽ là cuộc gặp thứ 40 giữa hai nhà lãnh đạo, diễn ra vài tuần sau khi Bắc Kinh đề xuất kế hoạch hòa bình ở Ukraine, đã làm dấy lên hy vọng về một bước đột phá trong việc chấm dứt chiến tranh. Cuộc xung đột, hiện đã bước sang năm thứ hai, đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và gây ra thiệt hại kinh tế trên diện rộng, trong bối cảnh lạm phát tăng vọt trên toàn cầu và nguồn cung cấp ngũ cốc, phân bón và năng lượng bị thiếu hụt.

Những hy vọng còn được thắp lên từ sự hòa giải của Bắc Kinh gần đây trong mối quan giữa hai "kẻ thù lâu năm" ở Trung Đông là Ả Rập Saudi và Iran, đồng thời là các báo cáo truyền thông rằng ông Tập dự định tiếp nối hội nghị thượng đỉnh của mình với ông Putin bằng một cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Nếu điều này thực sự diễn ra, cuộc trò chuyện giữa ông Tập và ông Zelensky sẽ là cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi xe tăng Nga lăn bánh qua biên giới Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập tới Nga nhằm củng cố mối quan hệ đối tác “không giới hạn” mà ông đã tuyên bố với ông Putin hồi năm ngoái, hơn là về việc làm trung gian hòa bình ở Ukraine. Đó là bởi, cả hai bên tham chiến đều không, hoặc chưa, sẵn sàng kết thúc cuộc chiến.

Bonnie Glaser, giám đốc Chương trình Châu Á tại Quỹ Marshall của Đức, nhận định: " Khi và chỉ khi Nga và Ukraine cạn kiệt ý chí tiếp tục chiến đấu, tìm kiếm lối ra cho cuộc xung đột này, thì không ai có thể chấm dứt nó. Và tôi không nghĩ rằng Trung Quốc muốn xen vào chuyện này".

Theo bà Glaser, lập trường 12 điểm của Trung Quốc về Ukraine là một bản tóm tắt các quan điểm của Bắc Kinh chứ không phải là một “kế hoạch hòa bình”, đặc biệt là khi nó không vạch ra bất kỳ lĩnh vực cụ thể nào mà Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò tích cực hơn.

Nói thêm về thỏa thuận giữa Ả Rập Saudi và Iran - đã chấm dứt 7 năm đóng băng trong quan hệ 2 nước, đồng thời thách thức vai trò trung gian quyền lực chính lâu nay của Mỹ ở Trung Đông, bà Glaser giải thích rằng những điều đó không đồng nghĩa với việc Trung Quốc giờ đây sẽ nổi lên như một trung gian hòa giải chính cho các vấn đề tranh chấp trên toàn cầu. 

“Điểm rút ra được từ thỏa thuận Saudi-Iran là Trung Quốc rất biết nắm bắt cơ hội" - nữ chuyên gia từ Quỹ Marshall nói - “Ngày càng rõ ràng rằng Ả Rập Saudi và Iran đang tìm cách bắt đầu cải thiện mối quan hệ của họ, và Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội đó để giúp đưa điều đó đến đích".

Còn đối với cuộc chiến Nga - Ukraine, "thời điểm đó vẫn chưa đến" - bà nói thêm.

Trung Quốc có lợi thế hơn cả?

Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine nhiều khả năng vẫn là một trong những trọng tâm trong chương trình nghị sự của ông Tập tại Nga.

Viết trên tờ Rossiiskaya Gazeta - nhật báo do Chính phủ Nga xuất bản, ông Tập hôm 20/3 đã kêu gọi một "cách thức hợp lý" để thoát khỏi cuộc xung đột Ukraine, và nói rằng lập trường của Trung Quốc "đóng vai trò như một nhân tố mang tính xây dựng trong việc vô hiệu hóa hậu quả của cuộc khủng hoảng và thúc đẩy một giải pháp chính trị".

Bất chấp sự hoài nghi sâu sắc ở phương Tây về khả năng Trung Quốc trở thành nhân tố hòa giải trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, Bắc Kinh dường như ở một vị trí tốt hơn so với hầu hết các quốc gia để đóng vai trò trung gian hòa giải.

Hơn hết, Trung Quốc được tin vẫn là đồng minh quan trọng nhất của Nga.

Trong khi kiềm chế không viện trợ quân sự cho Moscow ở Ukraine, Bắc Kinh vẫn duy trì quan hệ thương mại bình thường, thay thế Đức trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Nga vào năm ngoái. Thương mại song phương trong các lĩnh vực không bị trừng phạt cũng tăng vọt, đạt mức kỷ lục 190 tỷ USD vào năm ngoái.

Hai nước láng giềng Trung - Nga cũng đã duy trì nhịp độ tập trận quân sự chung, tổ chức các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn ở biển Hoa Đông vào cuối tháng 12/2022. Họ cũng tổ chức các cuộc tập trận chung với Nam Phi vào tháng 2 vừa qua và với Iran vào đầu tháng này.

Một số nhà phân tích tin rằng, đòn bẩy của Trung Quốc đối với Nga, cũng như mong muốn được coi là lực lượng thứ ba có trách nhiệm trong chính trị toàn cầu, có thể thúc đẩy ông Tập thúc đẩy ông Putin thực hiện "các bước nhỏ" theo hướng ngừng bắn và đối thoại ở Ukraine.

Moritz Rudolf, học giả nghiên cứu luật tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai của Trường Luật Yale, nói: "Trung Quốc muốn được coi là một cường quốc có trách nhiệm. Và điều đáng chú ý là đây là một cuộc chiến ở châu Âu, sẽ là một cấp độ thực sự mới để chứng minh ảnh hưởng của Trung Quốc ở cấp độ quốc tế. Do đó, tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ nỗ lực duy trì thúc đẩy mục tiêu này".

Cũng theo ông Rudolf, mặc dù tuyên bố lập trường về Ukraine của Trung Quốc thiếu thực chất, nhưng Bắc Kinh đã tự định vị mình là "quốc gia duy nhất có khả năng, hoặc ít nhất, là một trong những quốc gia cần tham gia vào giải pháp hòa bình" ở Ukraine.

Vị học giả tin rằng, điều này phù hợp với tham vọng của Trung Quốc nhằm định hình lại một trật tự toàn cầu mà nước này cho là đang nghiêng về phương Tây một cách không công bằng, và một trật tự mà Mỹ và các đồng minh đặt ra các quy tắc có lợi cho họ.

Ông Rudolf nói thêm, câu hỏi về việc liệu ông Tập Cận Bình có đang tìm kiếm một vai trò tích cực trong cuộc khủng hoảng Ukraine hay không sẽ trở nên rõ ràng hơn sau chuyến đi Moscow này.

"Nếu nhà lãnh đạo Trung Quốc đến thăm các thủ đô khác của châu Âu sau chuyến đi tới Nga - như tờ Wall Street Journal đã đưa tin, và nếu ông ấy nói chuyện với ông Zelensky ngay sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Putin, điều đó sẽ cho thấy ông Tập có thực sự đang nghiêm túc"- chuyên gia Rudolf nêu quan điểm.

Bên cạnh kỳ vọng không mấy lạc quan về một bước đột phá ở Ukraine, các cuộc thảo luận thực chất của hai nhà lãnh đạo Nga - Trung được cho có thể sẽ tập trung vào việc mở rộng và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ kinh tế và quân sự của hai nước.

"Nhìn chung, đây là một chuyến thăm quan trọng, cho thấy tầm vóc của mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung" - bà Anna Kireeva, phó giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Châu Á và Châu Phi tại Đại học MGIMO ở Moscow, bình luận - "Có thể mong đợi các thỏa thuận kinh tế mới, đặc biệt là về năng lượng… Rõ ràng, Nga cần gấp rút tìm các điểm đến thay thế cho hàng xuất khẩu của mình và Trung Quốc rất sẵn lòng mua các nguồn năng lượng và nguyên liệu thô của Nga với giá chiết khấu".

"Điều này có thể được hiện thực hóa qua một thỏa thuận về một đường ống mới - Power of Siberia 2 - để vận chuyển khí đốt đến Trung Quốc qua Mông Cổ" - bà Anna dự đoán.