Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nêu lý do Kiev khó giành lại Crimea từ Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ukraine sẽ rất khó để thực hiện điều này bởi có một số lượng đáng kể quân đội Nga tập trung ở đây nhằm ngăn cản Crimea quay về Ukraine bằng các biện pháp quân sự.

Một ngọn hải đăng ở Crimea. Ảnh: Sputnik
Một ngọn hải đăng ở Crimea. Ảnh: Sputnik

Trong bài trả lời phỏng vấn Đài Châu Á Tự do RFA cuối tuần trước, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andrey Zagorodnyuk thừa nhận hầu hết các chính trị gia, nhà phân tích Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không tin Ukraine có khả năng hoàn thành cam kết giành lại lãnh thổ Crimea từ Nga.

"Đa số các chính trị gia, nhà phân tích và nhà báo phương Tây đều không cho rằng việc giải phóng Crimea là mục tiêu khả thi của Ukraine. Đó là sự thật" - ông Zagorodnyuk cho hay.

Tuy nhiên, theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, người làm việc trong chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky từ tháng 8/2019 - 3/2020 nhấn mạnh, những nghi ngờ của phương Tây không có nghĩa là Kiev nên từ bỏ ý tưởng tấn công bán đảo này. Ông cho rằng Kiev cần thuyết phục phương Tây để nhận được các vũ khí mà nước này cần và các hình thức hỗ trợ khác.

Ông Zagorodnyuk nhận định, có một số lý do giải thích tại sao các nước phương Tây nghi ngờ khả năng Ukraine đạt được thành quả quân sự ở Crimea. Ông nêu rõ: "Đầu tiên, sẽ rất khó để thực hiện điều này bởi có một số lượng đáng kể quân đội Nga tập trung ở đây nhằm ngăn cản Ukraine chiếm lại Crimea. Vấn đề thứ hai là những rắc rối từ nỗ lực tái kiểm soát Crimea của chính quyền Kiev”.

Cựu Bộ trưởng Ukraine cho rằng khi suy nghĩ về chiến dịch của Ukraine nhằm giành lại Crimea, các nước phương Tây đã "cân nhắc đến những hậu quả sau đó có thể làm leo thang tình hình" trong cuộc xung đột nói chung.

Chính quyền Tổng thống Volodymyr  Zelensky nhiều lần khẳng định sẽ khôi phục toàn bộ lãnh thổ, bao gồm cả Crimea.

Trong bài phát biểu ngày 15/4, ông Zelensky đã cam kết một lần nữa rằng Ukraine sẽ giành lại Crimea và tất cả các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát ở Ukraine, bao gồm các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, Zaporozhye và Kherson, được sáp nhập vào Nga tháng 10/2022 sau các cuộc trưng cầu ý dân.

Trước đó, hôm 6/4 vừa qua, ông Mikhail Podoliak - trợ lý của Tổng thống Zelensky, nói rằng Kiev dự định chiếm Crimea trong vòng 7 tháng, đồng thời tuyên bố rằng Ukraine "phải loại bỏ mọi thứ của Nga" trên bán đảo.

Theo ông Podoliak, văn hóa Nga sẽ bị cấm ở Crimea nếu Ukraine giành quyền kiểm soát bán đảo này. Ông cũng cho biết Kiev đang lên kế hoạch đưa ra một số hình phạt với những người có hộ chiếu Nga hoặc những "kẻ phản bội" trong khu vực.

Mikhail Podoliak - Cố vấn của Tổng thống Zelensky. Ảnh: RT
Mikhail Podoliak - Cố vấn của Tổng thống Zelensky. Ảnh: RT

Cố vấn của Tổng thống Ukraine không loại bỏ các cuộc đàm phán giữa Kiev và Moscow về vấn đề Crimea, song cho rằng Điện Kremlin trước tiên phải rút hết toàn bộ quân đội khỏi các vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền.

Trong khi đó, giới quân sự phương Tây hoài nghi về khả năng của Kiev giành lại Crimea trong tương lai gần. Một số nhà phân tích nhận định, trong cuộc phản công sắp tới, Kiev có thể cân nhắc phương án đẩy lùi được lực lượng Nga khỏi Zaporozhye ở miền Nam, tiến công về thành phố Melitopol và cô lập Crimea.

Ông William Courtney, một cựu quan chức ngoại giao của Mỹ nói rằng Ukraine sẽ khó giành lại Crimea ngay cả khi có sự hỗ trợ vũ khí hiện đại của phương Tây. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - tướng Mark Milley, hồi năm ngoái xác suất Kiev giành được Crimea trong tương lai gần là không cao.

Về phần mình, Nga cảnh báo sẽ triển khai phương tiện sẵn có, kể cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ Crimea nếu Kiev tìm cách kiểm soát vùng lãnh thổ này.

"Nếu có bất cứ cuộc tấn công nghiêm trọng nào có liên quan đến nỗ lực (của Ukraine) giành lại Crimea, thì đó rõ ràng sẽ là cơ sở để Nga sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ vùng lãnh thổ này, bao gồm cả các biện pháp được nêu trong học thuyết răn đe hạt nhân" - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết hôm 24/3.

Crimea đã bỏ phiếu áp đảo để gia nhập Nga vào năm 2014, sau một cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn ở Kiev.