Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cựu Ngoại trưởng Johnson muốn Brexit bằng mọi giá trở thành tân Thủ tướng Anh

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, sẽ thay thế bà Theresa May trở thành Thủ tướng Anh sau khi giành được quyền lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh, theo kết quả bỏ phiếu công bố hôm 23/7.

Chính trị gia Boris Johnson, người đã cam kết đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) bất kể đạt được hay không có thỏa thuận nào trước dịp lễ Halloween, đã được bầu làm tân lãnh đạo của đảng Bảo thủ Anh trong cuộc bỏ phiếu của các đảng viên đảng này, và do vậy ông sẽ trở thành Thủ tướng Anh kế nhiệm bà Theresa May.
 Chính trị gia Boris Johnson phát biểu trong lễ công bố bầu chọn vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh hôm 23/7.
Cựu Thị trưởng London, ông Boris Johnson đánh bại đối thủ cùng đảng, Ngoại trưởng Jeremy Hunt. Ông Johnson giành được 92.153 phiếu bầu còn số phiếu của ông Hunt là 46.656.
Kết quả này đã được dự đoán ngay từ khi cuộc đua giành chức thủ lĩnh đảng Bảo thủ Anh diễn ra sau tuyên bố từ chức của bà Theresa May hồi đầu tháng 6/2019, ông Johnson đã luôn được coi là ứng cử viên số 1, bỏ xa các đối thủ khác nhờ có được sự ủng hộ đông đảo của các đảng viên cơ sở của đảng Bảo thủ.
Trong chiều mai (24/7), ông Johnson sẽ tiếp kiến Nữ hoàng Anh và chính thức nhậm chức Thủ tướng Anh, thay thế bà Theresa May với nhiệm vụ quan trọng nhất là tiếp quản tiến trình Brexit, đưa nước Anh thực hiện “ly hôn” EU một cách thành công.
Kết quả  cũng là một chiến thắng ngoạn mục cho một trong những chính trị gia hào nhoáng nhất của Anh, và lần đầu tiên một người ủng hộ chủ trương Brexit bằng mọi giá trở thành nhà lãnh đạo Chính phủ  Anh kể từ khi London tiến hành cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016 gây sốc toàn thế giới.
Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Johnson sẽ nhậm chức Thủ tướng Anh đúng thời điểm chính trường rối ren nhất trong lịch sử Anh kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Đây sẽ là thách thức nặng nề với ông Boris Johnson bởi chính đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh cũng đang bị chia rẽ nghiêm trọng do hồ sơ Brexit và sau tiến trình bầu chọn lãnh đạo vừa qua.
Tại thời điểm đảng Bảo thủ chuẩn bị công bố kết quả bầu chọn nhà lãnh đạo mới mà ông Boris Johnson, 55 tuổi, được cho là sẽ giành chiến thắng trước đương kim Ngoại trưởng Hunt, nhiều quan chức Chính phủ Anh đã quyết định từ chức, thể hiện rõ sự bất đồng rõ rệt với nhà lãnh đạo tương lai của đất nước - người có chủ trương bằng mọi giá sẽ tiến hành Brexit vào ngày 31/10 với kịch bản không thỏa thuận. 
Ông Johnson sẽ đối mặt với thách thức lớn hơn nhiều từ phía EU, đó là phải đàm phán được một thoả thuận Brexit mới có lợi hơn thoả thuận mà chính phủ của bà Theresa  May đã đạt được hồi tháng 11 năm ngoái.
Đa số giới phân tích cho rằng việc này là bất khả thi bởi EU luôn từ chối mọi kịch bản đàm phán lại thoả thuận Brexit, đặc biệt trong bối cảnh khối này vẫn chưa định hình bộ khung lãnh đạo mới dưới thời tân Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen.
Với việc chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến thời hạn 31/10/2019, trong đó lại có tới hơn 1 tháng chính trường tất cả các nước châu Âu tạm nghỉ Hè, khả năng chính phủ của ông Boris Johnson đạt được một điều gì đó mới về Brexit là gần như không có.
Trong trường hợp ông Johnson muốn thực thi Brexit bằng mọi giá, kể cả không thoả thuận, vào ngày 31/10/2019, nước Anh nhiều khả năng sẽ rơi vào một vòng xoáy khủng hoảng chính trị mới trầm trọng hơn.
Nhiều nhà đầu tư và kinh tế cho rằng việc Brexit “cứng” có thể đẩy nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào tình trạng suy thoái hoặc thậm chí hỗn loạn, đồng thời cũng tác động tiêu cực đến các thị trường thế giới.
Hơn nữa, một Brexit không có thỏa thuận “ly hôn” cũng sẽ làm suy yếu vị trí của London với tư cách là trung tâm tài chính quốc tế nổi tiếng thể giới và gây nhiều xáo trộn cho nền kinh tế quốc gia Bắc Âu./.