"Cứu tinh" cho thị trường dầu sắp đến giữa bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc thế giới đang gần đến đích, với khả năng giải phóng xuất khẩu hàng chục triệu thùng dầu thô của Iran ra thị trường toàn cầu trong vòng vài tháng.

Iran và Mỹ đang tiến gần đến việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, vốn từng bị chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ.

Trả lời CBS trong cuộc phỏng vấn gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, thỏa thuận đã tới "rất gần", tất nhiên còn một số thách thức cho đến khi mọi thứ hoàn thành. 

Kể từ khi các cuộc đàm phán bắt đầu gần một năm trước, chính quyền cứng rắn tại Tehran cùng hàng loạt cuộc tấn công bằng tàu và máy bay không người lái đã làm rung chuyển Vịnh Ba Tư. Gần đây hơn, cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine đã khiến giá dầu tăng vọt.

Thỏa thuận hạt nhân Iran, một khi được khôi phục, sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ để đổi lại việc Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Ảnh: AP
Thỏa thuận hạt nhân Iran, một khi được khôi phục, sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ để đổi lại việc Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Ảnh: AP

Điều đó càng làm tăng thêm tính cấp thiết cho những nỗ lực nhằm khôi phục hiệp định giữa Tehran và các cường quốc thế giới, với khả năng giải phóng xuất khẩu hàng chục triệu thùng dầu thô của Iran ra thị trường toàn cầu trong vòng vài tháng.

Cụ thể, tác động của thỏa thuận này một khi đạt được sẽ ra sao?

Dầu

Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ miễn trừ các lệnh trừng phạt đối với việc mua dầu của Iran. Ông Trump đã ngừng các miễn trừ vào năm 2019, khôi phục trừng phạt đối với tất cả các quốc gia đang cố gắng nhập khẩu dầu thô của Iran.

Thỏa thuận được khôi phục dự kiến ​​sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm lịch sử đối với Mỹ nhập khẩu dầu từ Iran, nhưng điều đó có nghĩa là các nước sẽ có thể nhập khẩu “vàng đen” từ Tehran mà không lo ngại bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thứ cấp. Có thể mất khoảng hai tháng kể từ khi thỏa thuận được đưa ra để Iran bắt đầu “bơm” được dầu ra thị trường quốc tế.

Các khách hàng chính của Iran trước thời điểm bị trừng phạt có thể kể đến Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia và Hy Lạp. Các quốc gia này có thể là sớm nối lại hoạt động nhập khẩu với Iran nếu thỏa thuận hạt nhân mới được hoàn tất.

Iran có hàng chục triệu thùng dầu được lưu trữ trên các tàu chở dầu có thể nhanh chóng vận chuyển đến khách hàng. Trong khi đó, Iran có khả năng tăng cường sản xuất từ ​​những khu vực trước đó bị đóng cửa.  

Từng là nhà sản xuất số 2 của OPEC, Iran có thể khôi phục khoảng 1 triệu thùng sản lượng dầu thô hàng ngày trong vòng vài tháng kể từ khi đạt được thỏa thuận, theo các thương nhân và nhà phân tích. Iran có thể tối đa công suất khoảng 3,7 triệu thùng/ngày vào năm sau.

Ngân hàng

Các biện pháp trừng phạt của chính quyền ông Trump đối với hệ thống ngân hàng của Iran mạnh hơn trước thỏa thuận năm 2015. Hầu hết các ngân hàng tư nhân và nhà nước của Iran đều chịu thêm một lớp hình phạt liên quan đến hoạt động khủng bố và tên lửa. Mỹ cũng áp dụng các biện pháp trừng phạt khủng bố đối với Ngân hàng Trung ương Iran năm 2019 sau khi xác định Tehran liên quan tới một cuộc tấn công vào khu phức hợp dầu mỏ lớn của Ả Rập Xê Út.

Những hạn chế đã khiến cho việc mua hàng hóa nhân đạo - những thứ được pháp luật miễn trừng phạt - trở nên rất khó khăn. Người dân Iran cũng phải vật lộn khi hàng tỷ USD tiền thanh toán cho việc bán dầu mắc kẹt trong các tài khoản ở nước ngoài.

Nếu thỏa thuận hạt nhân được khôi phục, các khoản tiền đó dự kiến ​​sẽ nhanh chóng được giải phóng. Iran sẽ lấy lại quyền truy cập vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. 

Hạt nhân

Iran đã đạt được những bước tiến đáng kể với chương trình hạt nhân sau khi Mỹ áp dụng lại các biện pháp trừng phạt. Một thỏa thuận hạt nhân dự kiến sẽ yêu cầu nước này quay lại giới hạn mức độ làm giàu uranium ở 3,67%, mức chỉ đủ để sản xuất điện hạt nhân.

Các kho dự trữ uranium được làm giàu của Iran xấp xỉ cấp độ vũ khí sẽ được chuyển ra khỏi đất nước và các máy ly tâm tiên tiến mà nước này lắp đặt để chế biến uranium sẽ bị tháo dỡ. Iran cũng nhất trí một cuộc điều tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế vào cuối tháng 5 - một dấu hiệu cho thấy một thỏa thuận nới lỏng các biện pháp trừng phạt có thể được thực hiện đầy đủ vào mùa hè.

Ổn định khu vực

Một trong những điểm khác biệt chính giữa vòng đàm phán này và các cuộc đàm phán năm 2015 là Iran đã nỗ lực thu hút các nước láng giềng trong khu vực, làm việc để hàn gắn quan hệ với cả Ả Rập Xê-út và quan trọng hơn là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - một đối tác thương mại quan trọng của Tehran.