Tâm tình người cựu tù
Nhiều cựu tù vô cùng xúc động khi được gặp lại những người bạn, người đồng đội, đồng chí đã cùng sát cánh bên nhau, đấu tranh chống lại mọi âm mưu thâm độc của địch trong tù, trong điều kiện vô cùng tàn khốc và khắc nghiệt. Những cái ôm đồng đội không còn được chặt, những bước chân không oai hùng, vững chãi như ngày nào nhưng trong ánh mắt của các chú, các bác – những người tù cộng sản vẫn ánh lên sự kiên cường đầy tự hào và hạnh phúc trong ngày gặp lại. Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên những gò má nhăn nheo, đen sạm, giọt nước mắt của sự tự hào và hạnh phúc vì mình còn sống, còn gặp lại nhau.
Đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Đỗ Khối, một trong những cựu tù Phú Quốc cho biết: Ở trong tù dù điều kiện thiếu thốn, dù bị đánh đập tra tấn dã man nhưng những chiến sĩ cách mạng vẫn yêu thương, đùm bọc, động viên nhau giữ trọn phẩm giá, khí tiết của người chiến sỹ quân giải phóng để đợi ngày trở về, đợi ngày toàn thắng.
Không dấu được cảm xúc ngày trở về ông Nguyễn Hồng Quân, 77 tuổi, cựu tù đến từ TP HCM cho hay, mỗi lần gặp mặt kỷ niệm như thế này, số lượng đồng đội trở về sau ngày trao trả càng thưa dần, gương mặt thân quen của những đồng đội ngày nào càng vắng bóng. Những cái ôm, những cái bắt tay ngày trở về luôn chứa đựng những tình cảm tình đồng đội, đồng chí, chúng trân trọng những giây phút quý báu này và vẫn đau đáu khi nhớ đến những đồng đội chưa được tìm thấy hài cốt.
Lần thứ 3 tôi trở lại Phú Quốc. Mỗi lần trở về đây tôi rất cảm xúc xen lẫn niềm hạnh phúc khi gặp những người đồng đội, những người anh vào sinh ra tử và những người đồng đội đồng chí đã hy sinh bởi những màn tra tấn dã man của kẻ địch, cựu tù Nguyễn Minh đến từ TP HCM xúc động kể.
Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, một cựu tù đến từ Quảng Trị chia sẻ, thương cho nhiều đồng đội là cựu tù không có chế độ gì ngoài chế độ thương binh, chế độ cựu tù, không biết cuộc sống của họ bây giờ như thế nào, có khá giả không.
Kiên cường trước màn tra tấn dã man
Trại giam tù binh công sản Việt Nam – Phú Quốc được ví như địa ngục trần gian, nơi đây giam giữ hơn 40.000 chiến sĩ cách mạng. Hơn 4.000 chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống, có những người bị địch chôn sống.
Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc được xây dựng trên diện tích 400ha, với gần 500 ngôi nhà, chia thành 12 khu (mỗi khu có 2 phân khu) và 10 khu (mỗi khu có 4 phân khu gọi tên theo thứ tự A, B, C, D). Mỗi khu trại có thể chứa khoảng 3.000 tù nhân. Xung quanh mỗi phân khu là 4 vọng gác canh giữ 24/24 và 10 vọng gác lưu động. Trại được bao bọc bởi gần 10 lớp kẽm gai chằng chịt.
Đến từ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Thơm, một cựu tù Phú Quốc cho biết: Chúng tra tấn dã man lắm, đừng đầu là thượng sĩ Nhu, một trong những ác ôn, với những màn tra tấn dã man không tả nổi. Nhìn đồng đội, bị tra tấn lòng đau như cắt nhưng vẫn động viên, dìu dắt nhau vượt qua khó khăn.
Để lưu giữ những chứng tích do địch sử dụng tra tấn, ông Thơm đã phục dựng lại những dụng cụ lĩnh Mỹ dùng để tra tấn các cựu tù, tặng cho Ban quản lý Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam – Phú Quốc lưu giữ và trưng bày.
Ông Đinh Duy Điệp, cựu tù Phú Quốc, Trưởng ban liên lạc cựu tù tỉnh Ninh Bình cho biết: Chúng đã sử dụng hơn 40 kiểu tra tấn, áp dụng cả những kiểu tra tấn của thời trung cổ đối với tù binh như: luộc người trong chảo nước sôi, nướng người trên lửa, đục tháo xương, dùng thuôn sắt nung đỏ xuyên vào bắp thịt, đóng đinh vào người, bẻ răng, tuốt móng tay, đun sôi nước xà phòng đổ vào mồm, cho tù binh vào bao tải dùng than hồng hoặc nước đun sôi dội lên người làm người tù binh giãy dụa trong bao, da thịt bị tuột ra, dùng kim đâm vào các đầu ngón tay đốt trên lửa.
Rất nhiều tù binh bị chúng treo lên, dùng roi đuôi cá đuối, cán búa bổ củi, roi quấn bằng dây điện đánh khắp người làm da thịt bị xé nát, máu chảy đỏ khắp người. Chúng dùng búa đinh, vồ gỗ, dùi cui đánh vào các khớp xương làm vỡ mắt cá chân, vỡ đầu gối, vỡ khuỷu tay. Chúng dùng ván, ép lên ngực rồi rọi đèn điện công suất cao vào mắt, có anh bị nổ mắt, hy sinh ngay trong lúc tra tấn. Chúng còn chôn sống tù binh, xả súng thẳng vào Trại giam giết chết nhiều người, ông Điệp cho hay.
Hàng ngày, giám thị, lính quân cảnh và bọn trật tự luôn gây sự để đánh đập tù binh. Chúng đánh anh em ở mọi nơi, mọi lúc, đánh ban ngày, đánh ban đêm, đánh lúc điểm danh, đánh khi anh em đi lao dịch, đánh khi đang ngủ, đang ăn…Chúng đánh lẻ từng người, đánh một tốp người, một phòng giam và đánh cả một PK giam có ngàn người. Khi đàn áp một PK giam, địch cho một đại đội quân cảnh có trang bị phòng độc cùng bọn trật tự tràn vào các phòng giam đánh đập anh em rất dã man. Sau trận đánh phủ đầu, chúng dồn anh em ra sân điểm danh, chia nhỏ từng tốp rồi đánh đập, ép phải “Tân sinh hoạt”. Đánh đập liên tiếp 5-7 ngày liền, những anh em không chịu “Tân sinh hoạt”, chúng cho xe chở sang PK giam khác.
Bản thân ông Đinh Duy Điệp đã 5 lần bị địch bắt ra phòng giám thị trưởng khu và bắt lên Ban điều hành trại giam tra tấn. Tra tấn xong, hai lần chúng nhốt tôi vào chuồng cọp và ba lần chúng nhốt tôi vào biệt giam.
“Nhưng mọi đòn roi của kẻ địch đã không khuất phục được chúng tôi. Chúng tôi đã sống hiên ngang và dũng cảm. Có anh khi địch tra tấn bằng kiểu đâm kim vào ngón tay rồi đốt trên ngọn lửa, anh đã giật kim trong tay địch, tự đâm kim vào ngón tay mình, quấn bông nhúng vào cồn, đốt lửa cháy và dơ bàn tay bốc lửa lên trước mặt chúng. Có anh khi bị địch đánh gẫy răng đã nhổ cả nước bọt lẫn máu và răng gẫy vào mặt kẻ đang tra tấn mình” ông Điệp xúc động kể lại.