Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đà bán tháo tăng tốc cuối phiên, chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh nhất từ tháng 6

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đà bán tháo tăng tốc về cuối phiên khiến chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên lao dốc mạnh nhất kể từ ngày 11/6.

Chứng khoán Mỹ lao dốc thê thảm trong phiên ngày 28/10 khi nhà đầu tư đẩy mạnh bán tháo cổ phiêu do lo ngại về sự bùng nổ mới nhất số ca nhiễm Covid-19 và khả năng tác động của nó đến nền kinh tế toàn cầu,
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones sụt 943,24 điểm (tương đương 3,4%) xuống 26.519,95,  đánh dấu 4 phiên lao dốc liên tiếp. Chỉ số S&P 500 lao dốc 3,5% còn 3.271,03 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite mất 3,7% xuống 11.004,87 điểm. Cả Dow Jones và S&P 500 đều chứng kiến phiên tệ nhất kể từ ngày 11/6.
 Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên 28/10 do lo ngại dịch Covid-19 lây lan chóng mặt trên thế giới.
Đà lao dốc của các chỉ số chính trên sàn Phố Wall nối tiếp phiên giảm mạnh trên thị trường chứng khoán châu Âu. Chỉ số Dax của Đức hạ 4,2%, chạm mức đáy kể từ cuối tháng 5. Chỉ số CAC của Pháp giảm 3,4%, còn FTSE 100 tại thị trường London hạ 2,6%.
Số ca nhiễm Covid-19 hằng ngày tại Mỹ đã tăng bình quân 71,832 ca trong tuần qua, mức tăng kỷ lục, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins. Trong khi đó, số ca nhập viện vì Covid-19 tăng 5% trở lên ở hơn 30 bang, theo dữ liệu từ dự án Covid Tracking Project. Dịch Covid-19 cũng tái bùng phát nghiêm trọng tại nhiều nước châu Âu.
Số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục trong những ngày gần đây đã buộc một số quốc gia tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội và lệnh phong tỏa. Ngày 28/10, Thủ tướng Đức Angel Merkel đã ra lệnh phong tỏa một phần. Chính phủ Pháp cũng công bố lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực đến ngày 1/12/2020. Tại Mỹ, bang Illinois đã yêu cầu TP Chicago cấm các nhà hàng phục vụ khách ăn trong nhà.
Người dẫn chương trình Jim Cramer của đài CNBC nhận xét: "Tôi nghĩ sẽ có người kêu gọi thực hiện biện pháp hạn chế ngăn dịch Covid-19 theo kiểu như TP Chicago vừa làm. Áp đặt lệnh phong tỏa trong khi không có gói kích thích kinh tế sẽ dẫn tới tình trạng thị trường lao dốc như chúng ta đang thấy".
Những cổ phiếu chịu thiệt hại nhiều nhất do lệnh phong tỏa hay sự đình trệ trong việc tái mở cửa kinh tế dẫn đầu đà sụt giảm trong phiên giao dịch này. Cổ phiếu United Airlines sụt 4,6%. Cổ phiếu Royal Caribbean hạ 7,4%. Cổ phiếu Norwegian Cruise Line và Carnival lần lượt giảm 9,1% và 10,6%.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, đã tăng vượt mốc 40 và chạm mức cao nhất kể từ ngày 15/6.
Nhà chiến lược Yousef Abbasi tại StoneX cho biết: “Các nhà đầu tư rời bỏ cổ phiếu để tìm đến tài sản an toàn hơn do gia tăng tâm lý lo ngại rằng việc siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa tại nhiều quốc gia sẽ cản trở đà phục hồi của kinh tế toàn cầu”.
Chỉ số Dow Jones đã giảm tới 6,4% từ đầu tuần đến nay, sắp ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3. Trong khi đó, S&P 500 mất 5,6% trong thời gian này, cũng hướng đến tuần lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Nasdaq Composite sụt 4,7% kể từ phiên đầu tuần đến nay.
Trong một diễn biến khác, nhà đầu tư đang phân tích ý nghĩa của nhiều báo cáo kết quả kinh doanh của các DN. Microsoft thông báo lợi nhuận và doanh thu quý III tích cực hơn dự báo của giới phân tích, với mảng điện toán đám mây tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên giá cổ phiếu Microsoft vẫn giảm 5% sau khi công ty dự báo doanh thu kém khả quan.
Hãng Boeing công bố khoản lỗ trong quý III thấp hơn dự kiến và thông báo kế hoạch cắt giảm thêm khoảng 7.000 nhân viên từ nay cho đến hết năm 2021 để thích nghi với môi trường nhu cầu hàng không giảm sút hiện nay. Giá cổ phiếu Boeing hạ 4,6% khi đóng cửa phiên 28/10.
Cổ phiếu General Electrics tăng 4,5% sau khi công ty này thông báo doanh thu cao hơn kỳ vọng của giới phân tích và bất ngờ có lãi trong quý III./.