Đặc khu kinh tế Rason của Triều Tiên hồi sinh nhờ giao thương với Nga?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chuyên gia cho rằng việc Bình Nhưỡng và Moscow đẩy mạnh quan hệ hợp tác có thể giúp hồi sinh đặc khu kinh tế Rason của Triều Tiên.

Đặc khu kinh tế Rason, được thành lập vào thập niên 1990 tại biên giới giáp Nga cùng Trung Quốc. Ảnh: Exutopia
Đặc khu kinh tế Rason, được thành lập vào thập niên 1990 tại biên giới giáp Nga cùng Trung Quốc. Ảnh: Exutopia

Hãng tin Reuters dẫn lời giới chuyên gia nhận định đặc khu kinh tế Rason dường như là trọng điểm trong hợp tác ngày càng sâu sắc giữa Triều Tiên với Nga.

Đặc khu kinh tế Rason, được thành lập vào thập niên 1990 tại biên giới giáp Nga cùng Trung Quốc, vốn là điểm đến mơ ước của nhiều người dân Triều Tiên trước thời điểm Bình Nhưỡng bị áp đặt lệnh trừng phạt. Các lệnh cấm vận cùng với việc đóng cửa biên giới chống dịch Covid-19 đã bóp nghẹt phần lớn hoạt động du lịch lẫn giao thương tại khu kinh tế này.

Trong những tháng gần đây đã xuất hiện dấu hiệu rõ ràng cho thấy đặc khu kinh tế Rason đang hồi phục, với các tàu cập cảng lần đầu tiên kể từ năm 2018. Theo hình ảnh từ vệ tinh, hoạt động thương mại tăng đột biến ở cả cảng và tuyến đường sắt đến Nga.

Dù Trung Quốc dường như là động lực rõ ràng cho sự phục hồi ở Rason, nhưng các chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên nhận định, quan hệ hợp tác ngày càng gắn bó của Bình Nhưỡng với Moscow cũng tác động trực tiếp đến khu kinh tế này.

"Khi Triều Tiên và Nga trở nên rất thân thiết giữa lúc cuộc xung đột tiếp diễn ở Ukraine, có thể có thêm nhiều khách Nga đến Triều Tiên đã giúp phục hồi du lịch (ở Rason)” - chuyên gia về Triều Tiên Jeong Eunlee tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, cho biết.

Theo nhà nghiên cứu Eunlee, Nga cũng có thể bán than, dầu và bột mì cho Triều Tiên qua đặc khu Rason. Nếu có thêm nhiều công nhân Triều Tiên được phép qua biên giới, họ có thể gửi thuốc của Nga và các hàng hóa khác về nhà cho người thân bán.

Cơ quan Hải quan Liên bang Nga cho biết đang tạm dừng công bố số liệu thống kê ngoại thương. Theo báo cáo của Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hàn Quốc (KOTRA), Trung Quốc chiếm khoảng 97% tổng thương mại của Triều Tiên trong năm ngoái.

Tuy nhiên, số liệu mới nhất của Liên Hợp quốc chỉ ra Nga đã khôi phục xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên từ tháng 12/2022 và đã bán được 67.300 thùng dầu tinh chế trong tháng 4.

Chuyên gia kinh tế Lee Chan-woo tại trường Đại học Teikyo đề cập đến khả năng gỗ Nga do lao động Triều Tiên khai thác được bán sang Trung Quốc thông qua thị trấn Rason, nơi có khoảng 200.000 dân.

Chuyên gia Cho Sung-chan của Tổ chức phi lợi nhuận Hananuri cũng dự báo ảnh hưởng của Nga tại đặc khu Rason sẽ tăng lên. Vị chuyên gia cho hay: “Trong giai đoạn quan hệ giữa Nga và Triều Tiên gắn bó mật thiết, Bình Nhưỡng có thể nhận được hỗ trợ từ Moscow về lương thực, năng lượng và cơ sở hạ tầng qua Rason”.

Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Nga Alexander Kozlov trong tháng này thông báo, hai nước dự định tăng cường giao thương, thí điểm xuất khẩu sản phẩm thịt vào năm tới.

Trung tâm thu hút vốn FDI của Triều Tiên

Kể từ khi Chủ tịch Kim Nhật Thành quyết định thành lập Rason vào năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ và Trung Quốc mở cửa hơn nữa, Triều Tiên đã cố gắng thu hút đầu tư vào đặc khu kinh tế này.

Rason là đặc khu kinh tế lâu đời và lớn nhất trong 29 đặc khu phát triển kinh tế của Triều Tiên, đồng thời đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Theo các chuyên gia, Rason - một trong những thị trường đầu tiên và lớn nhất của Triều Tiên, là khu vực có mạng di động đầu tiên cũng như là nơi duy nhất Triều Tiên hợp pháp hóa việc mua bán nhà vào năm 2018.

Viện Giáo dục Thống nhất Hàn Quốc cho biết, các đặc khu kinh tế khác không thể sánh bằng Rason do cơ sở hạ tầng yếu kém và sức ép từ lệnh trừng phạt quốc tế.

Mục sư người Mỹ gốc Hàn Abraham Choi nói rằng lần cuối đến Rason là vào năm 2015, ông từng gặp cả du khách Trung Quốc lẫn du khách Nga.

Truyền thông Hàn Quốc trước đó đưa tin biên giới Rason giáp Trung Quốc đã mở lại vào tháng 1/2023, tạo điều kiện cho hàng đoàn xe tải di chuyển qua.

Chuyên gia Lee Chan-woo Lee đánh giá, bất kỳ quốc gia nào giúp hồi sinh đặc khu kinh tế Rason đều trở thành “cơ hội vàng” cho kinh tế Triều Tiên sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch.