Đại dịch Covid-19 và trật tự thế giới mới

Theo Ngọc Minh/Báo Đại biểu Nhân dân
Chia sẻ Zalo

Trong quá trình tồn tại, nhân loại đã phải trải qua rất nhiều biến cố khôn lường. Đại dịch Covid-19 không phải cuộc khủng hoảng đầu tiên mà thế giới phải đối mặt, nhưng đã làm thay đổi hoàn toàn thế giới theo những cách chưa từng có trước đây, từng bước tạo nên một trật tự thế giới mới.

Chất xúc tác thay đổi
Thực tế, thế giới đã thay đổi trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu từ cuối năm ngoái. Các nguyên lý trung tâm của trật tự quốc tế, vốn được thể chế hóa sau Thế chiến II vào năm 1945 và được gia cố mạnh hơn sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991, đang lung lay hơn bao giờ hết.
Nguồn: ITN

Theo Hindu Times, nước Mỹ đã có bước ngoặt chưa từng có với việc tỷ phú Donald Trump được bầu làm Tổng thống vào năm 2016. Kể từ đó, ông đã rút Mỹ ra khỏi nhiều thể chế quan trọng của thế giới cũng như các nguyên tắc kinh tế và cách tiếp cận quân sự vốn từng giúp xứ sở cờ hoa trở thành siêu cường và duy trì quyền lực của mình.
Trong khi đó, Trung Quốc, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình nỗ lực xây dựng sức mạnh nội tại, đồng thời dành thời gian trên trường quốc tế bằng cách khởi động sáng kiến toàn cầu táo bạo nhất trong thời hiện đại mang tên "Vành đai và Con đường". Sáng kiến này mở rộng định nghĩa của đất nước gấu trúc về “lợi ích cốt lõi”, đặt quyền lực ở cả vùng lân cận và xa hơn. Còn nước Nga đã trở lại như một nhân tố chủ chốt, mở rộng ảnh hưởng, đóng vai trò tích cực hơn ở Tây Á cũng như tăng cường quan hệ đối tác với các bên mới, chẳng hạn như Trung Quốc.
Tại châu Âu, Vương quốc Anh trải qua thời khắc Brexit lịch sử, chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu, từ đó đặt ra câu hỏi tồn tại cho một thỏa thuận chính trị - kinh tế - an ninh xuyên quốc gia táo bạo nhất.
Đó không chỉ là hành động của từng quốc gia cụ thể, mà là các nguyên tắc cơ bản của hợp tác quốc tế đang được triển khai. Chế độ kinh tế tương đối tự do - dựa trên sự lưu chuyển tự do của hàng hóa và dịch vụ, các thỏa thuận thương mại song phương và khu vực, và sự cởi mở hơn đối với khả năng đi lại của công dân được phản ánh trong vấn đề nhập cư - đang rạn nứt.
Điều gây chú ý là, cuộc tấn công lại đến từ chính các cường quốc phương Tây, vốn là cha đẻ của nó ngay từ đầu. Giờ đây, họ không còn muốn chịu chi phí khi hoạt động kinh tế chuyển sang nơi khác.
Chính vì thế, nhiều nhà quan sát nhận định, đại dịch Covid-19 thực ra không hẳn thay đổi thế giới và mở ra kỷ nguyên mới. Những gì nó đã làm là tăng cường, xúc tiến các xu hướng tiềm ẩn có thể nhìn thấy trong nền chính trị quốc tế, đồng thời khiến thế giới đối mặt với thực tế mới trong khoảng thời gian vài tháng, thay vì vài năm.
Sự trở lại của các đường biên giới
Các nhà phân tích quốc tế nhận định, xu hướng đầu tiên sẽ là sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc. Nếu giai đoạn trước, người ta nói nhiều đến việc toàn cầu hóa xóa nhòa đi biên giới quốc gia, thì giờ đây, vào thời điểm Covid-19 đang tàn phá thế giới và một lần nữa chứng minh các mối đe dọa mang tính chất xuyên quốc gia, chủ nghĩa dân tộc đã nhanh chóng trở lại cùng với sự hiện diện ngày càng rõ nét của các đường biên giới. Thay vì mang đến thông điệp về sự kết nối giữa các quốc gia là “bơi cùng nhau thay vì cùng chìm”, đại dịch đã mang đến thông điệp khác: "Vì mình trước tiên".
Tình trạng các nước phải đóng cửa biên giới, tình trạng gián đoạn kéo dài đối với du lịch quốc tế, cuộc tìm kiếm tuyệt vọng của nhiều quốc gia về bộ dụng cụ xét nghiệm, giường bệnh, thiết bị bảo vệ cá nhân và các công cụ cơ sở hạ tầng y tế liên quan, sự phụ thuộc vào quốc gia trên phạm vi quốc tế để duy trì chuỗi cung ứng… đã khiến biên giới trở thành đặc điểm nổi bật nhất của chính trị quốc tế.
Biên giới không bao giờ biến mất. Trên thực tế, chúng là nền tảng của hệ thống nhà nước quốc tế có chủ quyền. Từ quyết định thắt chặt các quy tắc nhập cư của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đến quyết định của Ấn Độ khởi động chiến dịch kinh tế tự cường để tự lực cánh sinh, các nhà nước quốc gia đã trở lại như đơn vị quyền lực nhất trong trật tự thế giới.
Sự suy yếu của các thể chế đa phương
Xu hướng thứ hai được coi là đòn tử thần đối với chủ nghĩa đa phương. Hợp tác quốc tế phụ thuộc vào việc các quốc gia nhường một mức độ quyền chủ quyền của mình trong việc ra quyết định để phù hợp với bộ tiêu chuẩn được thống nhất quốc tế. Với sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc và xung đột gia tăng, nhiều nước không sẵn sàng nhường bất kỳ quyền hạn nào cho một cơ quan siêu quốc gia.
Trước đại dịch, điều đó được phản ánh qua việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bỏ ngoài tai các quyết định của LHQ cũng như làm sụp đổ cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Nhưng nó đã trở nên nghiêm trọng hơn nhiều trước sự bùng nổ của đại dịch Covid-19, được phản ánh rõ nét nhất qua cách đối xử của Washington đối với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). WHO bị Mỹ cáo buộc đồng lõa với Trung Quốc nhằm giảm thiểu sự nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus bị chỉ trích đặc biệt vì chậm trễ trong việc chính thức cảnh báo thế giới về sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2… Nước Mỹ dưới thời của Tổng thống Donald Trump ban đầu cắt giảm tài trợ cho WHO rồi sau đó công bố quyết định từ bỏ cơ quan này.
Uy tín của Mỹ với tư cách siêu cường sụt giảm
Xu hướng thứ ba liên quan đến sự chấm dứt khả năng thống trị của Mỹ trên trường quốc tế. Khi Covid-19 lan rộng, các nền dân chủ phát triển ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh cùng nhiều quốc gia châu Âu khác đã bị ảnh hưởng nặng nề. Sự gia tăng số ca nhiễm và số người tử vong cho thấy, những yếu kém về quản trị của họ. Sự kiện Mỹ ruồng bỏ WHO như đề cập ở trên càng khiến cho uy tín đất nước của tượng Nữ thần tự do giảm sút, khiến nhiều nhà phân tích nhận định đây là thời điểm bắt đầu chấm dứt sự thống trị của Mỹ trên chính trường quốc tế.
Thế giới đang thiếu một cơ quan hữu hiệu, có sự tôn trọng của tất cả các bên, đủ thẩm quyền và sức mạnh để bảo đảm hòa bình và an ninh (Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc còn yếu). Thế giới cũng thiếu một cơ quan hiệu quả để điều hành các thỏa thuận kinh tế quốc tế (quyền lực của WTO bị hạn chế sâu sắc), và giờ thế giới lại thiếu thêm một tổ chức y tế xuyên quốc gia hiệu quả. Vì vậy, nhiều người bi quan cho rằng, thông điệp tiếp theo của đại dịch là "đừng trông mong vào sự hỗ trợ của thế giới".
Thoái trào của toàn cầu hóa kinh tế
Xu hướng thứ ba đánh dấu sự thoái lui của toàn cầu hóa. Đây lại là nghịch lý vì hội nhập kinh tế toàn cầu có thể là cách tốt nhất để phục hồi sau suy thoái. Nhưng thực tế đã làm dấy lên phẫn nộ ngay trong nội bộ phương Tây, đặc biệt trong tầng lớp lao động, khi họ nhận thức được về việc đánh mất các cơ hội, vì những mối liên kết với nhau này đã dẫn đến sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế.
Chiến tranh thương mại đã nổ ra trước cả đại dịch nhưng Covid-19 mang lại tầm quan trọng của việc bảo đảm chuỗi cung ứng của chính mỗi quốc gia, tạo ra việc làm thông qua sản xuất trong nước cũng như giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Các nước hiện đang thay đổi thái độ mới. Đầu tư nước ngoài, thương mại được chấp nhận miễn mang lại lợi ích. Hợp tác công nghệ cũng tốt nhưng nhiều nơi không muốn nhượng quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng của mình. Di cư cũng được nhưng chỉ trong giới hạn và chỉ áp dụng cho những ai thực sự cần thiết. Vì thế, thông điệp thứ ba từ đại dịch Covid-19 là "Hãy tự xây dựng nền kinh tế của chính mình".
Toàn cầu hóa phải đối mặt với thách thức ghê gớm khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng quyết định đình chỉ thị thực lao động ảnh hưởng đến một loạt lĩnh vực trong nền kinh tế Mỹ và công dân nước ngoài. Trong khi sự di chuyển của con người trên toàn cầu luôn hạn chế hơn so với luồng hàng hóa và dịch vụ, động thái của ông chủ Nhà Trắng phù hợp với cách tiếp cận chung của ông đối với các mối liên kết kinh tế toàn cầu. Nhưng vấn đề là không chỉ riêng ông ấy như vậy. Ngày càng nhiều chính phủ đã chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ, khuyến khích ngành công nghiệp địa phương, lùi lại các cam kết với WTO, gây tác động đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần