Đắk Lắk: quyết tâm tạo đột phá trong chuyển đổi số
Kinhtedothi - Ngày 15/7, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức chương trình “Đắk Lắk số”, cùng với đó là lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số”.
Chương trình được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp tại hội trường UBND tỉnh Đắk Lắk và trực tuyến tới 102 xã, phường trên địa bàn tỉnh, cho thấy sự lan tỏa và quyết tâm thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Hồ Thị Nguyên Thảo phát biểu khai mạc chương trình.
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Hồ Thị Nguyên Thảo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện: “Việc phát động và triển khai sâu rộng phong trào “Bình dân học vụ số” có ý nghĩa then chốt trong việc phổ cập những kiến thức và kỹ năng số cơ bản cho toàn thể người dân. Mục tiêu là để mỗi người dân đều được trang bị đầy đủ hành trang số, có khả năng nắm bắt, tận dụng và thụ hưởng những thành quả to lớn mà khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mang lại trong cuộc sống hàng ngày”.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phong trào. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu, góp phần lan tỏa tinh thần tự học, biến quá trình nâng cao tri thức số trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người dân.

Các lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cùng nhau thực hiện nghi thức nhấn nút khởi động thi công dự án “Xây dựng hạ tầng chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tại sự kiện, các lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã cùng nhau thực hiện nghi thức nhấn nút khởi động thi công dự án “Xây dựng hạ tầng chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là một dự án hạ tầng số trọng điểm, được kỳ vọng sẽ tạo ra nền móng vững chắc, đồng bộ và lâu dài cho sự phát triển của chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số tại Đắk Lắk. Dự án này không chỉ mang ý nghĩa chiến lược mà còn là một công trình tiêu biểu chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk (Ban Chỉ đạo) đã chính thức phát động 100 ngày cao điểm thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”. Chiến dịch này sẽ được triển khai sâu rộng đến từng thôn, buôn, khu phố trên toàn tỉnh, với mục tiêu phổ cập tri thức và kỹ năng số một cách hiệu quả nhất, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ công nghệ số.
Theo đó, chương trình 100 ngày cao điểm sẽ diễn ra từ ngày 15/7 đến ngày 25/10/2025, tập trung vào 10 mục tiêu và chỉ tiêu chính trong công tác chuyển đổi số và triển khai “Bình dân học vụ số”. Điểm đáng chú ý là hệ thống mục tiêu và chỉ tiêu này được xây dựng theo hướng “mở” và “động”, cho phép rà soát, bổ sung, cập nhật và điều chỉnh thường xuyên sau mỗi giai đoạn, nhằm đảm bảo tính phù hợp với thực tiễn và khả năng triển khai của tỉnh Đắk Lắk.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Hữu Huy - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk phát động chiến dịch “Bình dân học vụ số”.
Phát biểu phát động chiến dịch, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh Đỗ Hữu Huy đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc một cách đồng bộ, chủ động và quyết liệt trong 100 ngày tới. Ông yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương chủ động đầu tư trang thiết bị, đảm bảo nguồn nhân lực, rà soát chương trình đào tạo và tổ chức các lớp phổ cập kỹ năng số phù hợp với mọi đối tượng, từ người lớn tuổi đến thanh niên, từ cán bộ công chức đến nông dân và DN.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đề nghị mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội phải là những người tiên phong, gương mẫu trong việc học tập và hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ. Các trường học, trung tâm giáo dục cộng đồng, thư viện, nhà văn hóa cần mở rộng cửa, trở thành những trung tâm lan tỏa tri thức số đến từng bản làng, thôn, xóm. Bên cạnh đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk kêu gọi sự chung tay của các DN công nghệ, doanh nhân và các tổ chức xã hội trong việc hỗ trợ thiết bị, xây dựng nội dung đào tạo, chia sẻ các giải pháp số, đồng hành cùng chính quyền để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng số này.
“Các mục tiêu, nhiệm vụ của 100 ngày cao điểm phải được xây dựng theo hướng “động” và “mở” và sẽ được bổ sung, cập nhật, điều chỉnh kịp thời qua từng giai đoạn, để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh cũng như phù hợp với các chỉ đạo mới nhất của Trung ương và của tỉnh Đắk Lắk” - Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định.
Chương trình “Đắk Lắk số” và phong trào “Bình dân học vụ số” hứa hẹn sẽ mang đến những chuyển biến tích cực, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện của tỉnh Đắk Lắk trong kỷ nguyên số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và mang lại cơ hội phát triển cho mọi người dân.

Đắk Lắk: xã vùng sâu nỗ lực vận hành mô hình chính quyền 2 cấp
Kinhtedothi - Hơn một tuần kể từ khi tỉnh Đắk Lắk chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã) từ ngày 1/7/2025, những hiệu quả bước đầu đã bắt đầu được ghi nhận tại các xã vùng sâu.

Đắk Lắk: quyết tâm tạo đột phá từ khoa học công nghệ và chuyển đổi số
Kinhtedothi- Chiều 10/7, Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk tổ chức Phiên họp thứ nhất và công bố 4 nền tảng số phục vụ chính quyền địa phương 2 cấp.

Phường Ea Kao (tỉnh Đắk Lắk) sau sáp nhập: xây dựng nền hành chính hiện đại, thân thiện
Kinhtedothi - Sau khi chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường Ea Tam và xã Ea Kao, phường Ea Kao (tỉnh Đắk Lắk) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt trong công tác cải cách hành chính.