Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dán thông báo phạt nguội xe dừng, đỗ sai quy định: Cách làm hay nhưng vẫn rườm rà

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 15/12, CSGT Hà Nội bắt đầu áp dụng biện pháp dán thông báo xử phạt nguội vi phạm dừng, đỗ sai quy định đối với xe ô tô. Cả lực lượng thực thi lẫn người dân đều đánh giá cao biện pháp này, tuy nhiên vẫn còn những thủ tục rườm rà, cần thiết phải xem xét, tinh gọn hơn.

 Dán thông báo phạt nguội trên đường Giải Phóng. Ảnh: Doãn Tấn

Hiệu quả rõ rệt
Từ ngày 15/12, tất cả 15 Đội CSGT thuộc Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội bắt đầu ra quân kiểm tra, dán thông báo xử phạt nguội đối với xe ô tô dừng, đỗ sai quy định trên các tuyến phố. Trung tá Trần Văn Công - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, theo quy trình, các tổ tuần tra kiểm soát trên đường khi phát hiện ô tô dừng, đỗ không đúng nơi quy định, tài xế không có trên xe, sẽ ghi lại hình ảnh và gọi loa thông báo. Sau đó nếu lái xe không xuất hiện làm việc, Tổ tuần tra sẽ lập biên bản, có sự chứng kiến của người dân, ghi nhận vi phạm, rồi dán thông báo xử phạt lên kính xe. Trên thông báo ghi rõ thời gian, địa điểm, lỗi vi phạm; ngày giờ, trụ sở nơi hẹn giải quyết xử phạt. Quá thời hạn, nếu tài xế không đến giải quyết, CSGT sẽ gửi thông tin tới cơ quan đăng kiểm để cảnh báo.

Một lái xe (xin giấu tên), bị xử phạt nguội theo hình thức dán thông báo trên kính tại đường Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao, Hà Đông chia sẻ: “So với việc bị cẩu xe, phải đi hỏi khắp nơi xem lực lượng nào cẩu, thì nhận một thông báo rõ địa chỉ, rõ đơn vị xử lý trong khi xe không bị cẩu đi chắc chắn là may mắn hơn nhiều rồi”. Người này cho biết, đối với vi phạm dừng, đỗ xe sai quy định sẽ vui vẻ nộp phạt, chấp hành sớm để tránh những phiền hà về sau. Mặt khác, tình trạng người vi phạm bị “chặt chém” giá cẩu kéo xe cũng sẽ không còn nếu CSGT hoàn toàn áp dụng biện pháp dán thông báo xử phạt nguội.

Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, chỉ trong ngày đầu tiên triển khai thực hiện dán thông báo phạt nguội lỗi dừng, đỗ trên các tuyến phố trên địa bàn TP, đơn vị đã xử lý 166 trường hợp xe ô tô dừng, đỗ sai quy định. Thời gian xử lý theo hình thức dán thông báo giảm xuống chỉ còn 1/3 so với phương thức xử phạt tại chỗ hoặc cẩu kéo xe vi phạm trước đây. Trung tá Nguyễn Đức Thắng - Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội nhận định: “Mỗi ca làm việc, CSGT sẽ xử phạt vi phạm được nhiều hơn hẳn, anh em cũng đỡ vất vả hơn mà hiệu quả công tác lại được nâng lên rõ rệt”.

Nhiều chiến sĩ CSGT cho rằng, hình thức tuần tra, phát hiện vi phạm ở đâu, dán Thông báo xử phạt nguội ở đó có thể hiệu quả hơn cả việc xử lý qua hình ảnh camera. Thời gian qua, để né phạt nguội, nhiều lái xe đã cố tình che hoặc cạo đi một phần biển số, khiến camera không thể nhận diện được xe vi phạm. Nhưng với hình thức dán thông báo tại chỗ như trên, sẽ khó có lái xe nào qua mắt được lực lượng chức năng.
Thông báo vi phạm hành chính được gắn trên kính xe ô tô. Ảnh: Ngọc Hải
Cần giảm thiểu thủ tục

Hình thức tuần tra, dán thông báo xử phạt nguội với xe dừng, đỗ sai quy định đã được nhiều nước phát triển áp dụng từ lâu. Những ngày qua, biện pháp này được áp dụng tại Hà Nội cũng cho thấy sự phù hợp và hiệu quả rất tích cực đối với cả lực lượng chức năng lẫn người dân. Tuy nhiên, biện pháp này cũng còn có hạn chế nhất định.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, quy trình để dán thông báo xử phạt nguội lên xe ô tô vẫn khá rườm rà, tốn nhiều thời gian. CSGT vừa phải ghi hình, gọi loa, lập biên bản, tìm người dân chứng kiến, ký vào biên bản, rồi mới được dán thông báo lên kính xe vi phạm. “Nếu đã có hình ảnh ghi lại vi phạm thì theo tôi, không nhất thiết phải tìm người dân ký vào biên bản chứng kiến sự việc nữa” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc ký vào biên bản còn có thể tiềm ẩn rủi ro hoặc phiền phức cho người dân chứng kiến, dẫn đến phát sinh tâm lý e ngại. Nếu chẳng may người dân xung quanh không ai chịu ký thì CSGT phải làm thế nào để hoàn thiện quy trình dán thông báo xử phạt nguội? Mặt khác, một số ý kiến cũng lo ngại, thông báo xử phạt nguội dán trên kính xe có thể bị bong tróc, nhoè mờ khi gặp mưa hoặc có ai đó cố tình bóc đi. Khi ấy chủ xe sẽ không thể biết mình đã bị xử phạt, cũng không có thông tin cần thiết để đi nộp phạt, giải quyết vi phạm. Do đó, cần xem xét đến đến chất liệu sử dụng cho tờ thông báo, phải có độ bền tốt, chống được mưa nắng trong thời gian nhất định, bám dính tốt. Ngoài ra, có thể cân nhắc thêm hình thức thông báo khác, ví dụ như nhắn tin đến số điện thoại của người điều khiển phương tiện nếu có niêm yết trên xe.

Ít ngày qua, thông tin xe ô tô bị xử phạt nguội vẫn có thể được đăng kiểm cũng khiến nhiều người lo ngại, dù nhận được thông báo xử phạt nguội, có lái xe vẫn không chấp hành nộp phạt hoặc tái phạm nhiều lần. Chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ: “Ở các nước phát triển, vi phạm giao thông bị phạt nguội nhiều lần mà không chấp hành, có thể bị đưa ra xét xử, phạt tù. Chúng ta cũng có thể nghiên cứu, áp dụng biện pháp này để củng cố thêm hiệu quả cho hình thức phạt nguội vi phạm giao thông”. Ngoài ra, dù không chặn đăng kiểm nhưng CSGT cần thông tin về các trường hợp vi phạm, bị phạt nguội cho hệ thống đăng kiểm, để có cảnh báo, nhắc nhở đối với chủ xe, lái xe. Thậm chí thông tin về những trường hợp cố tình chây ì nộp phạt, tái phạm nhiều lần đến nơi cư trú hoặc nơi làm việc để cộng đồng trách nhiệm tuyên truyền, nhắc nhở người vi phạm. 

Cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác tuần tra, xử lý phản hồi rất tích cực về biện pháp này; vừa tiết kiệm thời gian, vừa tránh phải gọi xe cẩu kéo, tranh cãi với lái xe. Có trường hợp vừa nhận thông báo xử phạt nguội hôm trước, hôm sau người vi phạm đã đến Đội để nộp phạt ngay. 

Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Trung tá Nguyễn Đức Thắng