Người mong muốn mỗi cán bộ, đảng viên cần tìm thấy cái mạnh, yếu của mình để tự sửa mình và đã căn dặn rất kỹ một điều, đó là “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài" (Hồ Chí Minh toàn tập - NXB Chính trị Quốc gia - Hà Nội 1995, từ trang 232 -290).
Đến nay, dù đã 72 năm, lời căn dặn của Người vẫn mang tính thời sự rất lớn. Bởi khi một bộ phận không nhỏ là công bộc của dân, kể cả cán bộ cao cấp, một khi đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, tham nhũng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, vun vén cho bản thân và cho người thân trên mức bình thường... sẽ là tự làm bất lợi về uy tín của người lãnh đạo.
Trong lịch sử Đảng ta đã có biết bao tấm gương mẫu mực về đức tính liêm khiết, không màng chuyện vun vén, vụ lợi và tấm gương ấy nhiều không thể kể hết.
Như lúc Tổng Bí thư Trường Chinh ra đi, gia đình ông thấy trong ngăn kéo bàn làm việc của vị cách mạng tiền bối ấy một cuốn sổ tiết kiệm có khoảng 3 ngàn đồng. Để dễ hình dung, số tiền ấy tương đương khoảng gần 8 tháng lương đại uý quân đội của tôi vừa chuyển ngành ngày đó (vào tháng 9/1988), tức là 390 đồng/tháng (nay mức lương cấp bậc này khoảng 8 triệu đồng/tháng).
Đây là số tiền tiết kiệm do ông viết các cuốn sách và được các nhà xuất bản trả nhuận bút như biết bao tác giả khác. Ông cũng đã trích từ khoản này trả thù lao cho vị thư kí riêng của mình và những người giúp ông ra cuốn sách cũng như đã phụ giúp phu nhân ông chi tiêu thêm trong gia đình. Và đến lúc ông đi xa thì còn khoản tiền như thế, ngoài ra, ông không còn khoản tiền gì khác.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng vậy. Ông là người có 32 năm đảm đương cương vị Thủ tướng Chính phủ, thế mà ngày ông chuẩn bị đám cưới cho con trai ông là anh Phạm Sơn Dương, ông đã tâm sự với anh Trần Hà, người từng làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Chính phủ suốt 20 năm rằng ông thấy hơi buồn cười, vì hóa ra ngay trong nhà mình, muốn có chiếc nhẫn vàng độ 2 chỉ để tặng con dâu Minh Châu mà ông Phạm Văn Đồng cũng không hề có nổi.
Chuyện này chính anh Trần Hà đã kể trực tiếp cho chúng tôi nghe khi đến nhà thăm ông tại Khu tập thể Giảng Võ, Hà Nội. Thật là cảm động đến trào nước mắt!
Xã hội mới hôm nay, theo tôi nghĩ, chúng ta cũng không nên máy móc đòi hỏi thế hệ lãnh đạo sau cũng buộc phải khắc khổ. Làm cách mạng thì mục tiêu sâu xa cũng để mọi người trong gia đình mình được sống sung túc.
Song cũng không nên vun vén cá nhân để rồi bị nhục nhã ê chề cả đời kiểu như mấy cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông khai báo nhận hối lộ trong vụ AVG vừa rồi. Chỉ vì tiền, vì nghĩ cho gia đình mà họ đã tạo dựng kịch bản mua bán doanh nghiệp gây thất thoát cho Nhà nước đến 7 nghìn tỷ thì quá dã man, không thể chấp nhận dù số tiền họ tự khai báo chắc gì đã thành khẩn.
Ngày xưa, theo sách vở ghi lại, có nhiều câu chuyện nghe thật thấm thía trong công việc dạy con, cách để lại tài sản cho con thế nào là nên và không nên.
Theo Sử ký Mạnh Thường Quân, có chuyện ghi lại trong “Cổ học tinh hoa” có tích chuyện “Lời con can cha”.
Chuyện rằng: Điền Vân là con Điền Anh. Tuy Điền Vân còn ít tuổi nhưng cực kỳ khôn ngoan.
Thấy cha mình làm quan lớn nhưng có tính vụ lợi riêng, Điền Vân không bằng lòng. Một hôm, Điền Vân hỏi cha:
- Con của con thì cha gọi là gì? Thưa cha!
Cha nói "gọi là cháu”.
- Cháu của đứa cháu cha thì cha gọi là gì?
-Thì ta gọi là chút.
- Chút của đứa chút thì cha gọi là gì?
- Ai mà biết gọi là gì! - Điền Anh lúng túng vì đúng là ông không biết thật!
- Cha làm tướng ở nước Tề. Tới nay đã phò tá cho ba đời vua - Điền Vân nhỏ nhẹ - Cha dù có hàng ức, hàng vạn (ý nói rất nhiều vàng bạc, ruộng đất... ) sao môn hạ của cha con không thấy có một người nào là hiền tài? Nay con thấy cha thì mặc áo toàn là gấm vóc mà sao người giỏi trong nước vẫn rách rưới.
Tôi tớ cha thì thừa ăn mà người giỏi trong nước vẫn đói khát. Cha quên hết cả việc công ích hiện thời của dân, của nước, chỉ chăm chăm tích cóp của cải muốn để dành cho những kẻ sau này mà chính cha cũng không biết gọi chúng nó là gì .
Con trộm nghĩ như thế mà thấy thật là kỳ lạ!
Người đời sau đã bình rằng: Người ta ai chẳng vì con, vì cháu mà cố sức làm ăn để tích cóp tiền của cho con, cho cháu. Âu đó cũng là lẽ tự nhiên. Tuy vậy, nên như thế nào là vừa phải vì lẽ ngoài người thân, con, cháu mình thì còn nước non, còn người khác.
Chuyện xưa, tân, cổ đủ cả mà tôi nhắc lại ở trên đây có lẽ đã thay cho lời kết của bài viết này. Phàm đã làm người lãnh đạo, là hiến thân phụng sự Tổ quốc thì nên cân nhắc lối sống bản thân sao cho cuối đời để lại tiếng thơm cho con cháu.
Nếu giàu có, nếu nhà cao cửa rộng, cũng nên bằng đồng tiền chính đáng mà có, như thế cháu con chúng ta mới có thứ để tự hào về cha ông chúng.