Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dâng lên Quốc Tổ một tấm lòng

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tâm thức người Việt Nam, Vua Hùng được coi là biểu tượng, vị Tổ dựng nước của dân tộc Việt.

Dù ai đi ngược về xuôi,
nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba.

Câu ca đó bao đời nay đã khắc ghi trong tâm trí các thế hệ con dân đất Việt. Năm nay, Giỗ Tổ Hùng vương được UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức với quy mô lớn.

Thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh, cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thái bình, thịnh vượng... mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

"Đó chính là “sợi chỉ đỏ tâm linh”, là động lực tinh thần, gắn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh của truyền thống lịch sử, dựng nước và giữ nước của cha ông ta" - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đã khẳng định trong chương trình khai mạc Lễ hội đền Hùng năm 2023 được tổ chức trọng thể tối 21/4 (tức mùng 2 tháng 3 âm lịch), tại Quảng trường Hùng Vương, TP Việt Trì.

Với mỗi người Việt Nam, hành hương về đền Hùng chính là niềm mong mỏi, khát khao được trao truyền qua nhiều thế hệ. Đây được cho là cuộc hành hương trở về cội nguồn lịch sử. Từ huyền thoại “bọc trăm trứng”, mọi người dân Việt Nam đều nhận nhau là anh em, có chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng và có chung Quốc Tổ là các Vua Hùng.

Trong tâm thức người Việt Nam, Vua Hùng được coi là biểu tượng, vị Tổ dựng nước của dân tộc Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, mang giá trị tinh thần sâu đậm về tình cảm và lòng tự tôn, tự hào dân tộc.

Chính vì vậy mà Lễ hội đền Hùng có sức hút mạnh mẽ với người dân, trở thành ngày lễ trọng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, một lễ hội quan trọng nhất với người dân cả nước cũng như Việt kiều ở nước ngoài.

Trân trọng ý nghĩa đặc biệt của Lễ hội đền Hùng như một biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 22/SL-CTN cho phép công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm để tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương.

Đến năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được Ban Bí thư T.Ư Đảng quy định là một trong những ngày lễ lớn trong năm, giao cho ngành văn hóa phối hợp với các ngành chức năng tổ chức Lễ hội đền Hùng trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch). Từ ngày 2/4/2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 Bộ luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch).

Ngày 6/12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO), chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sức hấp dẫn của Lễ hội đền Hùng với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn ở chỗ đây chính là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó cũng chính là điều tạo nên vẻ đẹp văn hóa, đặc trưng riêng có của Lễ hội đền Hùng.

Đó cũng là cội nguồn tạo nên tâm thế đặc biệt của mỗi người dân Việt Nam khi hành hương về Lễ hội đền Hùng dự ngày Giỗ Tổ. Mỗi người Việt Nam hành hương về đây như được trở về cội nguồn, như con cháu trở về với tổ tiên ông bà, cha mẹ.

Có thể nói, lễ vật quý báu nhất mà mỗi người dâng lên Quốc Tổ khi hành hương về Lễ hội đền Hùng là ý thức nhớ về cội nguồn, tấm lòng hướng thiện, luôn gìn giữ phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng giống con Lạc, cháu Hồng. Đó cũng chính là điều tạo nên vẻ đẹp văn hóa của Lễ hội đền Hùng mà mỗi người chúng ta cần ghi nhớ, gìn giữ, phát huy khi hành hương về vùng Đất Tổ.