Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đằng sau động thái Trung Quốc tăng chi "khủng" cho khoa học, công nghệ

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoa học và công nghệ có mức tăng phần trăm lớn nhất trong bất kỳ lĩnh vực chi tiêu chính nào của chính phủ Trung Quốc, vượt qua ngoại giao, an ninh công cộng, giáo dục và quốc phòng.

Bắc Kinh sẽ tăng cường đầu tư vào khoa học và công nghệ thêm 10% trong năm nay nhằm đáp ứng mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế và đối phó với những hạn chế do phương Tây áp đặt.

Theo dự thảo báo cáo ngân sách của Bộ Tài chính công bố trong phiên họp lập pháp hàng năm ở Bắc Kinh hôm 5/3, con số đó lên tới 379,8 tỷ nhân dân tệ (52,7 tỷ USD).

Khoa học và công nghệ đã nổi lên như một lĩnh vực ưu tiên của Bắc Kinh. Ảnh: Shutterstock
Khoa học và công nghệ đã nổi lên như một lĩnh vực ưu tiên của Bắc Kinh. Ảnh: Shutterstock

Khoa học và công nghệ minh chứng tầm quan trọng chưa từng có trong ngân sách năm nay, với mức tăng phần trăm lớn nhất trong bất kỳ lĩnh vực chi tiêu chính nào của Chính phủ Trung Quốc - vượt qua ngoại giao, an ninh công cộng, giáo dục và quốc phòng khi đánh dấu bước nhảy vọt đáng kể so với mức tăng 2% của năm ngoái.

Mặt khác, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với tổng chi tiêu của Trung Quốc cho nghiên cứu và phát triển – từ chính phủ và khu vực tư nhân – vượt qua 3,3 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái, theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Yin Hejun.

Tính theo USD, Trung Quốc là nước chi tiêu lớn thứ hai thế giới cho nghiên cứu và phát triển, sau Mỹ.

Theo Bộ Tài chính, dù có những hạn chế về ngân sách ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục chứng kiến mức “chi tiêu được đảm bảo” với vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc.

Thủ tướng Lý Cường cho biết trái phiếu kho bạc đặc biệt dài hạn sẽ được phát hành hàng năm để tài trợ cho các chiến lược quốc gia quan trọng và tăng cường khả năng bảo mật thông tin. Năm nay, số trái phiếu trị giá 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ sẽ được phát hành.

Mục tiêu là để “giải quyết có hệ thống tình trạng thiếu kinh phí đối với một số dự án lớn nhằm xây dựng một đất nước vĩ đại và thúc đẩy quá trình trẻ hóa dân số,” ông Lý Cường cho biết trong báo cáo của chính phủ.

Khoa học và công nghệ đã nổi lên như một trong những ưu tiên của Bắc Kinh nhằm mục tiêu thúc đẩy sự tự chủ về công nghệ trước nỗ lực của các cường quốc phương Tây hướng tới việc hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ tiên tiến.

“Môi trường bên ngoài ngày càng tác động đến sự phát triển của Trung Quốc,” ông Lý Cường cho biết, trích dẫn các yếu tố bao gồm xung đột địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc nên trao toàn quyền cho vai trò dẫn đầu của đổi mới, thúc đẩy đổi mới công nghiệp bằng cách tạo ra những đột phá trong khoa học và công nghệ, cũng như thúc đẩy công nghiệp hóa, theo Thủ tướng Trung Quốc. 

Động thái này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hồi sinh Trung Quốc thông qua khoa học và giáo dục, đồng thời đặt nền tảng vững chắc cho “sự phát triển chất lượng cao” bằng cách đầu tư vào đào tạo và huy động các nguồn lực để thúc đẩy đổi mới.

Điều đó cũng được phản ánh trong dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội đến năm 2024 của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia. Ủy ban này xác định hiện đại hóa hệ thống công nghiệp thông qua đổi mới là ưu tiên hàng đầu trong số 10 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. 

Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết sẽ hướng tới “nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản ứng dụng và các nhiệm vụ có tầm quan trọng chiến lược của đất nước” trong phân bổ chi tiêu cho khoa học và công nghệ.

Khoảng 98 tỷ Nhân dân tệ đã được dành cho nghiên cứu cơ bản, tăng 13,1% so với năm 2023.

Ngân sách tăng cường cũng sẽ được chi cho việc nuôi dưỡng và thu hút nhân tài, bao gồm tăng cường hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ và trao cho các nhà khoa học hàng đầu quyền kiểm soát tốt hơn đối với các nguồn lực.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Âm Hòa Tuấn khẳng định với báo giới rằng tổng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển vào năm 2023 đã tăng 8,1% so với năm trước và chiếm 2,64% GDP.

Theo ông Âm, khoản đầu tư rất hiệu quả. Các nhà khoa học Trung Quốc đang đạt được tiến bộ trong các lĩnh vực như thông tin lượng tử, mạch tích hợp, trí tuệ nhân tạo và y sinh.

Bộ trưởng cũng ghi nhận sự tăng trưởng “ấn tượng” trong xuất khẩu phương tiện sử dụng năng lượng mới, pin lithium và pin mặt trời.

Sun Yutao, giáo sư tại Trường Kinh tế và Quản lý Đại học Công nghệ Đại Liên, cho biết việc tập trung vào khoa học và công nghệ đang được thúc đẩy nhiều hơn bởi các yếu tố trong nước.

Ông nói: “Trung Quốc đang trải qua quá trình nâng cấp cơ cấu nền kinh tế. Mục tiêu này là nhằm thúc đẩy bước nhảy vọt mới về năng suất, đổi mới khoa học và công nghệ là động lực chính”.

Quan điểm đó được lặp lại bởi Mu Rongping, tổng giám đốc Trung tâm Đổi mới và Phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Ông cho biết sự gia tăng chi tiêu cho khoa học và công nghệ sẽ có tác động sâu rộng đến sự phát triển lâu dài của Trung Quốc.

“Những đổi mới cơ bản và chiến lược mới nổi tiềm ẩn rủi ro cao hơn và do đó đòi hỏi sự đầu tư đáng kể hơn từ chính quyền trung ương,” ông Mu nói và cho biết thêm chính quyền địa phương và khu vực tư nhân cũng sẽ nhận được tài trợ nhiều hơn.