Ả Rập Saudi đã trở thành đối tác đối thoại trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Đồng thời, vương quốc dầu mỏ cũng có ý định tham gia khối các nền kinh tế mới nổi lớn (BRICS), điều được cho là sẽ mang lại những lợi thế nhất định cho Riyadh.
Theo báo Maaal, Ả Rập Saudi đã ký Bản ghi nhớ về việc trở thành đối tác đối thoại trong SCO, được thành lập tại Bắc Kinh năm 2001 để đối trọng với các thể chế phương Tây. SCO gồm 9 thành viên thường trực: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Uzbekistan. Ai Cập và Qatar có tư cách quan sát viên hoặc đối tác đối thoại.
Quyết định gia nhập SCO của Ả Rập Saudi được đưa ra chưa đầy 3 tuần sau khi Riyadh và Tehran khôi phục quan hệ ngoại giao do Trung Quốc làm trung gian. SCO đang tìm cách đảm bảo một vị trí đặc quyền cho mình trong trật tự thế giới mới.
Ả Rập Saudi giữ vị trí quan trọng trong thế giới Hồi giáo và bán đảo Ả rập. Nước này cũng là cường quốc hàng đầu trên thị trường năng lượng toàn cầu khi chiếm 19% trữ lượng dầu của thế giới và hơn 20% lượng dầu xuất khẩu trên thị trường thế giới. Trữ lượng dầu của Riyadh ước tính đạt khoảng 267 tỷ thùng và sản lượng hơn 5 triệu thùng/ngày.
Khối lượng dự trữ vàng và ngoại hối, theo thống kê của Ngân hàng Trung ương Ả Rập Saudi, lên tới 693 tỷ USD vào cuối năm 2022. Với mức dữ trữ khổng lồ này, Riyadh đóng vai trò quan trọng trên thị trường tài chính và đầu tư toàn cầu. Do đó, nhiều nước và tổ chức quốc tế đều mong muốn xây dựng quan hệ đối tác và hợp tác với Ả Rập Saudi.
Việc Ả Rập Saudi gia nhập BRICS (gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cũng sẽ mang lại lợi ích cho các nước thành viên và củng cố vị thế của tổ chức này trên trường thế giới. Ngược lại, Riyadh sẽ được hưởng lợi từ thị trường rộng lớn, cơ hội và nguồn lực đầu tư từ các quốc gia BRICS, tổ chức chiếm khoảng 41% dân số thế giới.
BRICS là một thị trường khổng lồ có thể hấp thụ xuất khẩu của bất kỳ nền kinh tế nào, chưa kể đến các cơ hội đầu tư lớn. Vào năm 2022, tổng GDP danh nghĩa của các nước BRICS là 24,2 nghìn tỷ USD (chiếm 25% tổng sản lượng thế giới). Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm gần 70% tổng sản lượng của nhóm BRICS.
Trung Quốc, Ấn Độ và các thành viên khác của BRICS là thị trường nhập khẩu dầu mỏ lớn của các nước vùng Vịnh, đồng thời là đối tác thương mại chính của Ả Rập Saudi.
Việc gia nhập BRICS sẽ tăng cường hợp tác kinh tế giữa Riyadh và các nước BRICS, góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Ả Rập Saudi trong tương lai, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào phương Tây.
Tuy nhiên, việc Riyadh gia nhập BRICS có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ với phương Tây, đặc biệt là với Mỹ. Do đó, theo tờ Maaal, nước này sẽ phải cân nhắc kỹ tất cả những ưu và nhược điểm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, đồng thời cũng xem xé các yếu tố sau:
Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Ả Rập Saudi với kim ngạch thương mại 151,4 tỷ rial (40 tỷ USD). Washington coi Riyadh là đồng minh chiến lược của mình ở vùng Vịnh Ba Tư. Mỹ cũng là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Ả Rập Saudi. Đầu tư của nền kinh tế lớn nhất thế giới vào Ả Rập Saudi là 800 tỷ USD, trong khi Trung Quốc chỉ ở mức 100 tỷ USD.
Ngoài ra, việc Ả Rập Saudi gia nhập BRICS cũng tiềm ẩn những nguy cơ và thách thức, trong đó quan trọng nhất là sự gia tăng cạnh tranh địa chính trị giữa "phương Tây" và "phương Đông", đứng đầu là BRICS, sẽ tác động tiêu cực đến vị trí của Riyadh vốn lâu nay được coi là thuộc phe phương Tây.
Để so sánh, trong năm 2022, khối lượng thương mại toàn cầu của các nước G7 lên tới 6,3 ngàn tỷ USD (khoảng 28% tổng xuất khẩu thế giới), trong khi nhập khẩu lên tới 7,6 nghìn tỷ USD (33,5% tổng nhập khẩu thế giới). Trong khi đó khối lượng xuất khẩu thế giới của nhóm BRICS lên tới 4,6 nghìn tỷ USD (20,7% tổng xuất khẩu thế giới) và nhập khẩu 3,9 nghìn tỷ USD (17% tổng nhập khẩu thế giới).