Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đằng sau sự "bình tĩnh" của Trung Quốc trước khủng hoảng Evergrande

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa có hành động cụ thể vì họ muốn tình trạng nguy kịch của Evergrande sẽ cảnh tỉnh các công ty khác về việc phải có kỷ luật tài chính.

Ở bất kỳ quốc gia nào, sự sụp đổ bất ngờ của một tập đoàn khổng lồ với khoản nợ hơn 300 tỷ USD sẽ gây ra những làn sóng chấn động mọi ngóc ngách của nền kinh tế. Báo chí sẽ rầm rộ đưa tin, các ngân hàng sẽ rùng mình trong khi giới đầu tư hoảng sợ. Nhưng ở Trung Quốc thì chưa chắc.
Một sự sụp đổ của công ty với quy mô đó có thể sớm xảy ra, tuy nhiên bằng việc chưa có bước đi can thiệp, Bắc Kinh đang báo hiệu rằng họ sẽ cho các nhà đầu tư và công ty lớn thấy “bài học cay đắng” trong quản lý tài chính lỏng lẻo.
Thế giới tài chính đang theo dõi cuộc chiến của China Evergrande Group, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất trên thế giới với khoản nợ hiện chắc hẳn là nhiều nhất.  Tuần trước, thời hạn thanh toán 83 triệu USD cho các nhà đầu tư nước ngoài đã đến nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy Evergrande đã đáp ứng các nghĩa vụ. Điều này đặt ra câu hỏi về điều gì sẽ tiếp tục xảy ra.
 Cảnh sát và nhân viên an ninh bên ngoài tòa nhà trụ sở tập đoàn Evergrande ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: AP

Theo nguồn tin thân cận của New York Times, Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa có hành động cụ thể vì họ muốn tình trạng nguy kịch của Evergrande sẽ cảnh tỉnh các công ty khác về việc phải có kỷ luật tài chính. Trung Quốc từng kiểm soát rất tốt các cuộc khủng hoảng tài chính trong quá khứ. Các nhà kinh tế trong và ngoài Trung Quốc đánh giá, vì tin vào các biện pháp bảo vệ của chính quyền, nhiều nhà đầu tư vẫn sẵn sàng đặt cược cho các công ty lớn dù có triển vọng trả nợ kém.
Về lâu dài, rủi ro của việc này là Trung Quốc có thể đi theo bước chân của Nhật Bản, nơi đã chứng kiến nhiều năm kinh tế trì trệ dưới gánh nặng của khoản nợ khổng lồ và các công ty hoạt động chậm chạp, kém hiệu quả.
Vì vậy, bằng cách không mạnh mẽ đưa ra tín hiệu về một gói cứu trợ Evergrande, chính phủ về cơ bản đang cố gắng buộc cả nhà đầu tư và các công ty ngừng chuyển tiền cho các công ty rủi ro, mắc nợ nhiều. Tất nhiên, cách tiếp cận đó cũng mang lại rủi ro, đặc biệt nếu sự sụp đổ gây bất an cho người mua nhà và các nhà đầu tư tiềm năng của thị trường bất động sản.
Theo New York Times, giới chức Trung Quốc hiện vẫn tin rằng họ kiểm soát được tình hình bởi vẫn đang sở hữu một loạt các công cụ đủ mạnh để ngăn một cuộc khủng hoảng tài chính, nếu vấn đề của Evergrande trở nên tồi tệ hơn.
Zhu Ning, Phó hiệu trưởng Viện Tài chính Nâng cao Thượng Hải, cho biết chính phủ "vẫn sẽ cung cấp sự đảm bảo" cho nhiều hoạt động của Evergrande, "nhưng các nhà đầu tư sẽ phải toát mồ hôi".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2017 đã xác định việc kiềm chế rủi ro tài chính là một trong những "trận chiến lớn" của chính quyền. Ông sắp bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba vào năm sau nên sẽ không để xảy ra bất kỳ sự tổn hại chính trị nào vì khủng hoảng Evergrande.
Đầu tiên, Bắc Kinh kiểm soát hệ thống ngân hàng của đất nước ở một mức độ vượt xa các quy định ngân hàng ở phương Tây. Các bên cho vay chính là các công ty thuộc sở hữu nhà nước. Những ngân hàng này ưu tiên chính sách kinh tế của chính phủ hơn lợi nhuận của chính họ. Thay vì yêu cầu trả nợ, các ngân hàng của Trung Quốc đã đàm phán các thỏa thuận riêng với Evergrande trong nhiều tháng.
Việc kiểm soát các ngân hàng cũng cho phép Bắc Kinh tiếp cận nguồn tiền khổng lồ từ các khoản tiền gửi của đất nước, tạo ra một tấm đệm tài chính đủ dày.
Trung Quốc cũng kiểm soát chặt chẽ việc chuyển tiền qua biên giới. Các nhà đầu tư Trung Quốc và toàn cầu không thể đột ngột tìm lối thoát nếu họ lo lắng. Những biện pháp kiểm soát đó đã giúp cách ly Trung Quốc khỏi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và 1998 gây thiệt hại nặng nề cho các nền kinh tế khác.
Các tòa án tại nước này cũng phải cần sự chấp thuận của các nhà lãnh đạo cao nhất mới được đưa ra bất kỳ quyết định buộc Evergrande phá sản và tái cấu trúc nào. Vì vậy, nhà chức trách có thể tránh một đợt bán tháo gấp rút như Lehman’s vào năm 2008. Do đó, sẽ không có cú sốc đối với giá đất, căn hộ và các tài sản chấp khác của Evergrande. Việc sa thải hàng loạt cũng sẽ không diễn ra.
 Trụ sở Ngân hàng Quốc gia Trung Quốc PBoC. Ảnh: EPA
Theo một nguồn tin am hiểu về hoạt động hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc, giới chức nước này đang tin rằng, với việc tái cơ cấu hợp lý, Evergrande có đủ tài sản để trang trải phần lớn các khoản nợ của mình. Thực tế, họ đã từng bình tĩnh giám sát việc tái cơ cấu Anbang và HNA, hai đế chế nợ nần chồng chất, hay buộc thu hẹp quy mô của Dalian Wanda.
Thứ hai, ảnh hưởng của nhà nước với các công ty lớn còn có thể trợ giúp quá trình đó. Một số công ty xây dựng và bất động sản quốc doanh lớn nhất đất nước có thể tham gia để hoàn thành khoảng 800 khu phức hợp dang dở của Evergrande và thanh toán cho các nhà thầu.
Các quan chức coi đó là một trong những lợi ích của việc mở rộng khu vực kinh tế nhà nước dưới thời ông Tập. "Các doanh nghiệp nhà nước sẽ đảm bảo giao các căn hộ để tránh bất ổn xã hội", ông Zhu nói.
Ngoài ra, song song công cụ tài chính và huy động các công ty quốc doanh, nhà chức trách còn có thể quản lý nhận thức và phản ứng của công chúng. Kể từ khi ngành xây dựng trở thành trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc vào những năm 1990, tranh chấp giữa người mua nhà và chủ đầu tư đã dẫn đến các cuộc biểu tình.
Những người mua nhà thường mua căn hộ trước khi chúng được xây dựng, đã cố gắng đoàn kết để lên tiếng trước những yếu kém về chất lượng và uy tín của chủ đầu tư. Ví dụ, trong tháng này, hàng trăm người mua nhà ở Cảnh Đức Trấn, một thành phố ở miền nam Trung Quốc, đã tổ chức các cuộc biểu tình vì lo ngại Evergrande sẽ sụp đổ trước khi hoàn tất việc bàn giao quyền sở hữu hợp pháp căn hộ của họ.
Eswar Prasad, Giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell, người từng là trưởng bộ phận Trung Quốc tại IMF cho rằng, việc Evergrande đột ngột vỡ nợ "sẽ là chất xúc tác hữu ích cho kỷ luật thị trường, nhưng cũng có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước".
Một số nhà đầu tư toàn cầu lo lắng rằng các vấn đề của Evergrande đại diện cho “khoảnh khắc Lehman”, ám chỉ sự sụp đổ năm 2008 của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, báo trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Họ cảnh báo rằng sự sụp đổ của Evergrande có thể làm lộ ra các vấn đề nợ khác ở Trung Quốc và ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài, những người đang nắm giữ số nợ đáng kể của Evergrande và các nhà phát triển bất động sản khác ở nước này.
Trong một diễn biến liên quan, nguồn tin độc quyền của Reuters hôm 27/9 cho biết, chính quyền Thâm Quyến đang điều tra một đơn vị của Evergrande – cơ quan quản lý tài chính của thành phố chia sẻ với các nhà đầu tư cùng ngày - dấu hiệu đầu tiên của một cuộc điều tra chính thức về cuộc khủng hoảng quản lý tài sản tại gã khổng lồ bất động sản.
Trong một bức thư gửi các nhà đầu tư mà Reuters thu thập được, Cục Quản lý Tài chính Thâm Quyến cho biết "các bộ phận liên quan của chính quyền Thâm Quyến đã thu thập ý kiến của công chúng về Evergrande Wealth và đang mở một cuộc điều tra kỹ lưỡng về các vấn đề liên quan của công ty".