Đằng sau sự nôn nóng "xích lại" Trung Quốc của châu Âu, Ukraine không ngoại lệ

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez sẽ tới Bắc Kinh vào cuối tuần này, tiếp đó là chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và một số quan chức hàng đầu châu Âu.

Về một số phương diện, chuyến thăm Nga gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đem lại sáng kiến mới nhằm chấm dứt chiến sự ở Ukraine.

Tuy nhiên, chuyến đi của ông Tập tới Moscow đạt kết quả quan trọng: Giải phóng một loạt sáng kiến từ các nhà lãnh đạo châu Âu, tất cả đều có kế hoạch đến thăm Bắc Kinh và háo hức muốn nghe những gì Trung Quốc sẽ phát biểu hoặc làm để chấm dứt chiến tranh.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez sẽ tới Bắc Kinh vào cuối tuần này. Chuyến thăm của ông có ý nghĩa quan trọng vì Tây Ban Nha sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) từ cuối tháng 6.

Nối tiếp là chuyến thăm của ông Josep Borrell, người đứng đầu chính sách an ninh, đối ngoại của EU. Ngoài ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng có kế hoạch thăm Trung Quốc vào tuần sau, cùng với chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.  Lý do đằng sau những động thái tấp cập này là gì?

Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy châu Âu xích lại Bắc Kinh. Ảnh: EPA-EFE
Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy châu Âu xích lại Bắc Kinh. Ảnh: EPA-EFE

Chiến sự tại Ukraine

Các chính phủ lớn ở Tây Âu hiện tin rằng Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc chiến Ukraine. Trong một phiên họp riêng tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU ở Brussels tuần trước, ông Macron kêu gọi các nhà lãnh đạo tăng gấp đôi nỗ lực để ngăn chặn Trung Quốc tăng cường hỗ trợ cho cuộc chiến của Nga.

Ông Macron từ lâu đã lập luận rằng châu Âu có thể ngăn chặn trước mối quan hệ ràng buộc giữa Trung Quốc và Nga hoặc ít nhất là ngăn cản nước này trở thành một liên minh chống phương Tây chính thức.

Ngoài ra, còn tồn tại một số lý do thiết yếu và hoàn toàn hợp lệ khiến châu Âu vội vàng bất ngờ nối lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Đại dịch Covid-19, chiến tranh ở Ukraine và lệnh phong tỏa kéo dài của Trung Quốc đã tạo cản trở các chuyến thăm và tiếp xúc ngoại giao giữa Bắc Kinh và các thủ đô châu Âu.

Giờ đây, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra sẵn sàng cho các chuyến công du và các động thái ngoại giao, châu Âu rất muốn bắt kịp.

Vấn đề cấp thiết thứ hai là thương mại. 

Ở đây, mục tiêu không nhất thiết là ký kết giao dịch; thời kỳ mà các chính trị gia phương Tây dự kiến tới Bắc Kinh để ký các hợp đồng thương mại trị giá hàng tỷ USD giờ đã qua. Thay vào đó, chỉ đơn giản là để ngăn chặn xung đột giữa hợp tác thương mại và yếu tố chính trị. 

Châu Âu hiện rất lo lắng trước cuộc đối đầu thương mại đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là trước áp lực ngày càng tăng từ Washington trong việc áp dụng các hạn chế chung giữa Mỹ và châu Âu đối với việc chuyển giao cho Trung Quốc những công nghệ quan trọng.

Với vai trò quan trọng của Mỹ trong việc bảo vệ châu Âu từ cuộc chiến Ukraine đang diễn ra, các chính phủ châu Âu không có tư cách phản đối lập trường của Mỹ.

Chẳng hạn, đầu tháng này, chính phủ Hà Lan đã quyết định cùng Mỹ hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc bằng cách áp hạn chế xuất khẩu riêng với công nghệ bán dẫn.

Tuy nhiên, châu Âu vẫn kỳ vọng có thể tạo lập một quan điểm cụ thể về thương mại với Trung Quốc, một quan điểm không lặp lại lập trường của Mỹ nhưng vẫn nhận được nhượng bộ về bất bình đẳng hoặc các hoạt động thương mại và đầu tư không công bằng của Trung Quốc.

Trong khi Mỹ nói về việc “tách rời” nền kinh tế của họ khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc; châu Âu thích nói về việc “gỡ bỏ rủi ro” với Trung Quốc.

Thỏa thuận toàn diện về đầu tư giữa EU và Trung Quốc, được ký kết vào cuối năm 2020, đang bị mắc kẹt tại Nghị viện châu Âu. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn quan tâm đến việc khôi phục thỏa thuận này như một biện pháp bảo vệ chống lại làn sóng hạn chế của châu Âu đối với đầu tư của Trung Quốc vào các công ty châu Âu.

Quyết định của Trung Quốc phê chuẩn một số công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế cấm sử dụng lao động cưỡng bức và những cam kết của Bắc Kinh nhằm cung cấp một “sân chơi bình đẳng” cho nhà đầu tư châu Âu cũng là xu hướng mà các nhà lãnh đạo châu Âu mong muốn. 

Tuy nhiên, vấn đề cấp bách nhất vẫn tập trung vào lập trường của Ukraine và Trung Quốc trong cuộc chiến.

Củ cà rốt và cây gậy

Những lời đề nghị của châu Âu vẫn có thể được đưa ra, song song với các mối đe dọa của Mỹ nhằm ngăn chặn một diễn biến mà phương Tây lo sợ nhất: Trung Quốc trang bị vũ khí cho quân đội Nga. 

Châu Âu nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc trang bị vũ khí cho quân đội Nga. Ảnh: Reuters
Châu Âu nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc trang bị vũ khí cho quân đội Nga. Ảnh: Reuters

Như một số quan chức châu Âu gần đây đã chỉ ra, việc thuyết phục Trung Quốc kiềm chế không đưa ra quyết định có thể mang lại kết quả tốt hơn so với việc Mỹ đe dọa “trừng phạt” Bắc Kinh.

Trong bất kỳ trường hợp nào, sự thúc giục của châu Âu không nhất thiết mâu thuẫn với thông điệp thẳng thắn mà Mỹ gửi tới Bắc Kinh.

Một số chính phủ châu Âu đang làm như vậy – rằng hai cách tiếp cận có thể hoạt động song song để ngăn chặn một diễn biến mà phương Tây lo sợ nhất. Và đây cũng là cách tiếp cận mà chính Ukraine đang áp dụng.

Chính sách Trung Quốc của Ukraine

Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu hơn một năm trước, Chủ tịch Trung Quốc chưa một lần điện đàm với Tổng thống Ukraine. Ông Zelensky hiện đã phá vỡ mọi nghi thức ngoại giao khi công khai yêu cầu một cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Cho đến nay, vẫn chưa có phản hồi nào từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine thích nhìn vào khía cạnh tích cực hơn.

Ông ca ngợi chuyến thăm mới nhất của Chủ tịch Trung Quốc tới Nga là "mang tính xây dựng", trong khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đi xa hơn khi tuyên bố rằng việc Trung Quốc từ chối can dự vào ngoại giao chiến tranh "có lợi cho Ukraine chứ không phải Nga".

Và khi các hãng thông tấn phương Tây gần đây đưa tin rằng các thiết bị quân sự do Trung Quốc sản xuất đã được phát hiện trên các chiến trường của Ukraine, các quan chức hàng đầu của Ukraine vội vàng bác bỏ thông tin này.

Tại sao Ukraine đối xử với Trung Quốc với động thái "mềm mỏng" như vậy?

Hiện nay, phần lớn quên rằng, trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine. Mặt khác, Trung Quốc tiếp tục là nước xuất khẩu nông sản lớn nhất của Ukraine sau một năm tham chiến.

Theo số liệu do Liên Hợp quốc cung cấp, dưới thỏa thuận cho phép tàu đi qua Biển Đen chở lúa mì, ngô và dầu hướng dương của Ukraine, Trung Quốc vẫn là điểm đến hàng đầu cho tất cả hoạt động thương mại này trong một thời gian dài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần