Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đằng sau thời hạn 3 năm Trung Quốc đưa ra cho đàm phán COC

Tú Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiến trình đàm phán COC, theo giới phân tích, sẽ còn diễn biến phức tạp trong bối cảnh mục tiêu của ASEAN và Trung Quốc khác biệt.

Trao đổi bên lề Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 11, các chuyên gia khẳng định tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ còn diễn biến phức tạp. 

GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia nhận định, lý do Trung quốc nhất quyết thúc giục hoàn tất COC trong 3 năm đó là vì theo lịch trình, sau khi mà nhiệm kỳ 2020 ASEAN mà Việt Nam là Chủ tịch kết thúc, tiếp sau là Brunei, sau đó là Campuchia và đây là thời điểm mà Trung Quốc kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ thúc đẩy về COC có lợi cho nước này.

 Học giả Bill Hayton

Về vấn đề này, học giả Bill Hayton từ Viện nghiên cứu Chatham House (Anh) cho rằng vẫn còn nhiều nghi ngại về tương lai của COC. "Trung Quốc cũng kỳ vọng hoàn tất bộ quy tắc này trong thời gian Tổng thống Philippines Duterte còn đương nhiệm, với mong mỏi như vậy sẽ có lợi hơn với họ", ông Hayton chia sẻ với Kinh tế&Đô thị. 

Trong khi đó, TS Hoàng Việt từ Đại học Luật TP HCM nhận định vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình đàm phán COC. Về phạm vi, Việt Nam và nhiều nước trong muốn COC một khi thông qua được áp dụng cho toàn bộ Biển Đông. Về tính chất pháp lý, quan điểm của Việt Nam luôn muốn COC có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý, rằng nếu có bên vi phạm vào các điều khoản thì các bên còn lại được phép mang vi phạm đó ra các cơ quan tài phán quốc tế. Chưa kể Việt Nam yêu cầu các bên muốn duy trì COC thì phải ngừng các hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo, quân sự hóa và tuyên bố đơn phương khu vực nhận diện phòng không trên Biển Đông. Nhưng điều này đều vấp phải phản đối từ Trung Quốc.  

Vai trò của Việt Nam trong ASEAN

Một điểm đặc biệt trong năm 2020 mà giới phân tích cho là sẽ tạo cơ hội cho vấn đề Biển Đông có tiến triển. Đó là Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch luân phiên của ASEAN. “Chúng ta đã nhìn thấy triển vọng có các cơ chế, diễn đàn chung như ADMM+, Hội nghị Đông Á… nơi có thể đưa quan điểm của ASEAN ra cộng đồng quốc tế, khu vực châu Á Thái Bình Dương”, theo TS Udai Bhanu Singh từ Trung tâm Biển và Đông Nam Á, Ấn Độ.

Việc tích cực trao đổi quan điểm có thể góp phần giải quyết vấn đề Biển Đông, trong bối cảnh các bên đang trong quá trình hoàn tất COC. “Không ai mong muốn một COC chỉ là phiên bản yếu kém, câu giờ”, TS Singh nói. Để có một COC hiệu quả, Việt Nam cần đưa các quan điểm khác nhau lên các diễn đàn ngoại giao và tìm lộ trình pháp lý tương hợp với các quốc gia trong khu vực.

Theo chuyên gia này, vấn đề hiện nay là vai trò của ASEAN cần được phát huy hơn nữa trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Ví dụ điển hình là vụ kiện năm 2016 của Philippines lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).  Một số thành viên ASEAN chưa tận dụng được hết lợi thế khi Philippines được xử thắng kiện và tòa bác bỏ yêu sách “Đường Lưỡi Bò” của Trung Quốc. Mục tiêu ASEAN nên là tăng cường đoàn kết thống nhất, củng cố vai trò trung tâm và đó cũng là nhiệm vụ Việt Nam cần lưu ý trong năm Chủ tịch.