Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đằng sau "tối hậu thư" ông Trump đe Nga

Kinhtedothi - Việc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine diễn ra chậm chạp dường như khiến ông Trump, người từng nhiều lần hứa sẽ sớm kết thúc chiến tranh nếu tái đắc cử, tỏ ra sốt ruột.

Ông Trump "hết kiên nhẫn"

Tổng thống Donald Trump đã gia tăng áp lực lên Nga để "chấm dứt giết chóc" ở Ukraine trong vòng 50 ngày, đồng thời cảnh báo ngày 15/7 rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế mà ông đe dọa áp đặt đối với Moscow và các đối tác thương mại của Nga sẽ rất tàn khốc.

Đồng thời, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ áp đặt thuế quan thứ cấp lên tới 100% đối với các quốc gia vẫn giao thương với Nga nhằm buộc Điện Kremlin phải ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine, đồng thời cho Moscow thời hạn đến đầu tháng 9 để đáp trả.

Một dự luật của Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham của bang South Carolina và Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Richard Blumenthal của bang Connecticut, với 85 Thượng nghị sĩ đồng bảo trợ, sẽ cho phép tổng thống áp đặt thuế quan thứ cấp ít nhất 500% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.

"Những biện pháp này rất nghiêm khắc và đáng kể. Sẽ rất tệ cho các quốc gia liên quan", ông Trump khẳng định với các phóng viên tại Căn cứ Không quân Andrews ở Maryland.

Một lính cứu hỏa Ukraine tại một tòa nhà dân cư bị hư hại sau cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga vào Kiev vào ngày 10/7. Ảnh: Aljazeera

Tháng trước, Nga đã tấn công Ukraine với 537 máy bay không người lái và tên lửa. Đây được coi là đợt tấn công dữ dội nhất của Moscow trong chiến tranh, theo Không quân Ukraine.

Ông Putin vẫn chưa chấp nhận đề xuất ngừng bắn vô điều kiện từ ông Trump, trong khi đề xuất này đã nhanh chóng được Kiev ủng hộ.

Tiến độ đàm phán chậm chạp dường như đã khiến ông Trump với nhiều lần cam kết trong chiến dịch tranh cử tổng thống rằng ông sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, cảm thấy khó chịu.

Với việc ông Putin bác bỏ những nỗ lực chấm dứt chiến tranh, Tổng thống Mỹ đã dần dần tiến gần hơn đến lập trường của châu Âu về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục với Tổng Thư ký NATO Mark Rutte ngày 14/7, nhà lãnh đạo Mỹ đã tuyên bố rằng các đồng minh NATO sẽ tài trợ cho việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất và các vũ khí khác cho Ukraine.

"NATO sẽ hoàn trả lại cho chúng ta mọi thứ. Trong một số trường hợp, chúng ta sẽ được các nước thuộc Liên minh Châu Âu hoàn trả trực tiếp", ông nói thêm. "Nhưng chúng ta luôn nhận lại được đầy đủ số tiền đã đóng góp.

Về phần mình, ông Rutte cho biết Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Thụy Điển, Hà Lan và Na Uy muốn tham gia vào thỏa thuận vũ khí.

Những động thái mới nhất này đánh dấu một sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ khi sự ủng hộ của ông Trump dành cho Ukraine diễn ra chỉ vài tuần sau khi Washington tuyên bố sẽ tạm dừng bán vũ khí cho Kiev.

Trong diễn biến liên quan, ngày 15/7, quan chức an ninh cấp cao của Nga, Dmitry Medvedev, cho biết Moscow không quan tâm đến "tối hậu thư mang tính kịch" do ông Trump đưa ra, trong khi người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga cần thời gian để phân tích những tuyên bố "rất nghiêm túc" của tổng thống Mỹ, đồng thời nói thêm rằng ông Putin sẽ bình luận về các đề xuất này nếu thấy cần thiết.

Ý nghĩa đe dọa thuế quan

Ông Trump cũng cho biết mức thuế quan của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Nga sẽ được định giá "khoảng 100%" và sau đó đe dọa sẽ áp dụng "các mức thuế quan thứ cấp [hay còn gọi là lệnh trừng phạt thứ cấp]".

Các biện pháp trừng phạt thứ cấp, vốn sẽ mang tính trừng phạt nặng nề hơn nhiều so với thuế quan của Mỹ, sẽ được áp dụng đối với bất kỳ quốc gia nào giao thương với Moscow, đặc biệt nhắm vào hoạt động kinh doanh hàng hóa của nước này.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine vào tháng 2/2022, các quốc gia phương Tây, bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh và các quốc gia Liên minh Châu Âu đã áp đặt 21.692 lệnh trừng phạt đối với Nga, hầu hết là nhắm vào các cá nhân.

Các lệnh trừng phạt chính đối với Moscow bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, áp đặt giá trần đối với nhiên liệu của Nga và đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga tại các tổ chức tài chính châu Âu. Tuy nhiên, khả năng áp đặt “các biện pháp trừng phạt thứ cấp”, nếu được thực hiện, sẽ đánh dấu một sự thay đổi đáng kể.

Cho đến nay, các quốc gia thành viên G7 vẫn chưa thực hiện các bước đi nhằm hạn chế Nga bán nhiên liệu hóa thạch cho các khách hàng chủ chốt như Trung Quốc và Ấn Độ.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ