Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Đánh IS, chứ đừng đánh nhau”

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính quyền Washington vừa lên tiếng xoa dịu bất đồng giữa hai đồng minh là Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd YPG. Đồng thời yêu cầu hai bên tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố thay vì xung đột lẫn nhau.

Đòn giáng vào mặt trận chống IS

Thổ Nhĩ Kỳ, từ lâu đã xem lực lượng người Kurd là mối đe dọa an ninh hàng đầu. Ankara đã lật lại những lý lẽ của Mỹ về những xung đột này bằng việc bắt đầu đợt tấn công vào phía Nam Syria, bao gồm có khu vực nhiều người Kurd thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Washington hậu thuẫn. Tiếp đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định vụ tấn công tên lửa từ khu vực do YPG kiểm soát đã khiến một binh lính nước này thiệt mạng. Ankara cũng cho biết đã tiêu diệt 25 chiến binh người Kurd vào cuối tuần trước. Những xung đột này sẽ ảnh hưởng tới chiến lược của Mỹ ở mặt trận Syria. Phó cố vấn an ninh Nhà Trắng Ben Rhodes cho biết, việc Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào SDF, cũng bao gồm cả các chiến binh Ả Rập, sẽ là đòn giáng mạnh vào nỗ lực gây dựng “mặt trận liên hiệp” chống IS ở Syria.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình phản đối sau một cuộc tấn công do lực lượng phiến quân thuộc đảng Công dân Người Kurd (PKK) thực hiện.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình phản đối sau một cuộc tấn công do lực lượng phiến quân thuộc đảng Công dân Người Kurd (PKK) thực hiện.
Trước diễn biến này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter “kêu gọi hai bên không giao tranh lẫn nhau, thay vào đó, tập trung chiến đấu chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng”. Nhấn mạnh, sự khác biệt lâu đời giữa chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã khẳng định quan điểm rõ ràng: Các bên đều có chung mục tiêu chống IS và phải đặt mối ưu tiên này lên hàng đầu. Theo đó, ông Carter hôm 29/8 cũng khẳng định chiến lược của Mỹ tại Syria là không thay đổi. Cả lực lượng SDF và Thổ Nhĩ Kỳ đều là đồng minh cốt yếu tại mặt trận này và hy vọng, lực lượng do Mỹ hậu thuẫn sẽ nhanh chóng tái kiểm soát TP Raqqa từ tay IS.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã một lần nữa cho thấy những mục tiêu khác biệt với các đồng minh Mỹ khi tham gia mặt trận Syria, trong đó chống lại IS chỉ là một trong rất nhiều lý do. Đồng thời việc đặt ra nghi vấn liệu Ankara có cản trở những bước tiến của SDF. Hai tuần trước, lực lượng này đã giành lại TP chiến lược Manbij khỏi tay IS, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chỉ 30km về phía Nam.

Giảm căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ

Theo các chuyên gia, kịch bản tốt nhất để giảm tình thế căng thẳng hiện nay là Washington sẽ đảm bảo để YPG rút khỏi phía bờ Tây dòng sông biên giới Euphrates được ví là “vách ngăn tự nhiên” giữa Thổ và YPG. Theo phương án do Mỹ đề xuất, lực lượng người Kurd sẽ khó mở rộng diện tích kiểm soát gần biên giới nước này. Bên cạnh đó, nhằm xoa dịu Ankara, ông Carter cũng biểu dương bước tiến của quân đội Thổ khi tái kiểm soát TP Jarablus tuần trước.

Chuyên gia Blaise Misztal của Trung tâm Chính sách Bipartisan cho rằng, Mỹ đang chứng kiến hậu quả của chiến lược chống IS dựa chủ yếu vào lực lượng người Kurd mà loại trừ những mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, nếu mang lên cân đong đo đếm, Mỹ không thể ủng hộ các binh lính Kurd hơn là đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara còn đang nắm giữ “quân bài” căn cứ không quân Incirlik. Từ căn cứ này, các chiến đấu cơ Mỹ cất cánh để tấn công mục tiêu IS ở Syria.

“Thiên vị lực lượng người Kurk hay là Thổ Nhĩ Kỳ, thì chắc chắn Mỹ đều sẽ thất bại”, Bruce Riedel - chuyên gia Trung Đông tại Viện Brookings nhận định, nhất là trong bối cảnh quan hệ hai đồng minh như “đi trên dây” khi Ankara trách Washinton chậm trễ phản đối vụ đảo chính bất thành hồi tháng trước.