Đánh thức tinh thần đổi mới, sáng tạo

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương “xắn tay áo” để triển khai quyết liệt nhiệm vụ, không được chủ quan, tăng trưởng nhanh nhưng quan trọng là phải giữ được sự ổn định vĩ mô và tâm lý kỳ vọng tích cực”, đó là một trong những chỉ đạo mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi chuẩn bị bước vào năm 2019.

Hiệu quả từ đổi mới tư duy, cách làm

Như nhiều đại biểu Quốc hội đã nhận định, năm 2018, Chính phủ đã thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội… trong các năm tiếp theo.
Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2018 sẽ đạt trên 6,7%, đây cũng là chỉ số tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, cùng với đó, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu… tăng khá cao. Đặc biệt, những cải cách mạnh mẽ về thể chế, đổi mới chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng lãnh đạo T.Ư và bộ ngành chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa TP Hà Nội với các đơn vị tại Hội nghị 'Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển'. Ảnh: Phạm Hùng
Chính phủ đã thực hiện chủ trương cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính, trong đó đã cắt giảm 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu; nhiều hội nghị chuyên đề, đối thoại với DN, nhà đầu tư, các tầng lớp Nhân dân để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh và đời sống. Cùng với đó, tham nhũng được kiềm chế, sắp xếp bộ máy đạt kết quả cũng tạo ra những hiệu ứng tích cực.
Những kết quả này tạo tiền đề thuận lợi, vững chắc cho năm 2019. Nhưng vẫn cần sự chủ động và quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách cơ cấu lại nền kinh tế, tạo thuận lợi cho DN và người dân trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Bởi thực tế, cử tri và Nhân dân vẫn còn bức xúc về nạn “tham nhũng vặt”, nhiều DN và người dân vẫn phải chi những khoản ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính. Hơn nữa, những biểu hiện tiêu cực này chủ yếu được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí, mà rất ít được phát hiện thông qua đấu tranh nội bộ, tự phê bình và phê bình của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.
Trong những cuộc họp Chính phủ cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc nhở “chúng ta không được chủ quan, tự mãn với những kết quả đạt được bởi nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung chỉ đạo xử lý, khắc phục, ứng phó”. Những nhiệm vụ để tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm chế lạm phát gắn với tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin DN... đã được Chính phủ nhấn mạnh. Đồng thời với đó, tập trung mạnh vào khâu thực thi, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; theo dõi sát sao những biến động của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước để ứng phó, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời.
“Điều quan trọng là chúng ta phải có ý thức dân tộc, quy tụ lòng người, đoàn kết tiến bước xây dựng đất nước trong thời kỳ còn nhiều khó khăn thách thức. Kiên trì bảo vệ lợi ích chiến lược của đất nước. Chúng ta phải có khát vọng vươn lên ở các cấp, các ngành. Chúng ta phải đổi mới tư duy, xóa bỏ những quan điểm cũ, lạc hậu, ỷ lại, trông chờ. Chúng ta hoan nghênh và khuyến khích mọi ý tưởng đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ làm giàu cho mình và đất nước...” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã truyền tải thông điệp.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế
Như nhiều ý kiến nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP tăng 6,6 - 6,8% mà Chính phủ đề nghị cho năm 2019 là khả thi do chúng ta đang có động lực, lợi thế và nhiều cơ hội. Các Nghị quyết T.Ư đang dần đi vào cuộc sống, hoạt động của Chính phủ được đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng kịp thời các đổi thay nhanh chóng đang đặt ra. Nhưng đúng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói: Để bảo vệ các thành quả đã có và đạt được trọn vẹn những mục tiêu phát triển là cả một chặng đường đầy khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng đổi mới, cải cách, luôn kiên định với lý tưởng, phải nỗ lực, quyết tâm trong nhiều giai đoạn, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả những nhiệm kỳ kế tiếp.
Khẳng định “một tinh thần cách mạng, quyết tâm cao của Chính phủ” trong việc hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ năm 2019 tới, nhiều thông điệp cải cách mạnh mẽ của Chính phủ đã được chỉ ra, trong đó có cả những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Trong đó, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Quyết liệt tái cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa, trong đó có việc giải quyết những yếu kém, bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân nhất là thủ tục hành chính trong tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng, các loại chi phí còn cao, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia… Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó gỡ bỏ những rào cản cho DN phát triển; giải quyết những vấn đề bất cập, yếu kém trong huy động, phân bổ nguồn lực, quản lý, xây dựng kết cấu hạ tầng…
Cùng với đó, để tạo động lực tăng trưởng cho đất nước, Chính phủ cũng xác định dựa vào những động lực hiện có, tranh thủ động lực đầu tư từ trong nước và nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ khi trả lời chất vấn trước Quốc hội đã chỉ ra, động lực tăng trưởng là phát triển DN tư nhân, đẩy mạnh cổ phần hóa DN Nhà nước, tăng kích cầu nội địa, phát triển các đô thị làm đầu tàu kinh tế, phát huy tận dụng tốt các Hiệp định thương mại song phương, đa phương đã ký. Giải pháp căn cơ cho mọi giải pháp là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, tiếp tục tháo gỡ những rào cản, tổ chức nghiêm minh việc thực thi pháp luật.
“Nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, tạo quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt mọi chủ trương đường lối của Đảng. Điều này càng trở nên cấp bách khi cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, nền kinh tế chúng ta đã, đang hội nhập sâu rộng ở mức độ chưa từng có vào kinh tế khu vực và toàn cầu, Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do, 4 Hiệp định đang trong tiến trình đàm phán, ký kết” - Thủ tướng nói.
Để giải quyết những hạn chế hiện nay, Chính phủ cũng kêu gọi một tinh thần “đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, có khát vọng vươn lên” ở các bộ, ngành, nhất là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống. Kiên quyết loại trừ nạn quan liêu, tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt. Không chỉ vậy, tất cả cán bộ, công chức, đặc biệt là cấp lãnh đạo phải là những tấm gương về tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả, vì lợi ích chính đáng của người dân và DN. “Điều mà Nhân dân mong muốn chúng ta đó là chất lượng tăng trưởng và xử lý những vấn đề bất cập của xã hội” - Thủ tướng Chính phủ nói.

Để đảm bảo Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cho Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ phát triển sản xuất kinh doanh dịp cuối năm; chú trọng lo Tết cho Nhân dân về mọi mặt, nhất là về hàng hóa, quản lý giá cả; làm tốt việc hỗ trợ Tết cho người có công, gia đình chính sách...