Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu ấn của ông Trump trong nội các "tỷ phú"

Hà Phương tổng hợp
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đa phần các thành viên trong nội các mới do Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump lựa chọn đều có điểm tương đồng với vị tỷ phú New York này.

  Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chụp hình chung với nữ tỷ phú Betsy DeVos - ứng viên cho chiếc ghế Bộ trưởng Giáo dục sau cuộc gặp gỡ tại sân golf của ông ở New Jersey.

Mặc dù, tất cả các đề xuất vẫn cần được Thượng viện phê chuẩn chính thức, song trước danh sách 21 gương mặt do ông Donald Trump “chọn mặt gửi vàng”, cũng khiến giới phân tích quan ngại rằng, nội các mới này nắm giữ nhiều quyền lực và phạm vi ảnh hưởng lớn hơn trong vấn đề kinh tế so với chính quyền tiền nhiệm. Trong đó, những nhân vật đang chú ý phải nói tới ứng viên Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, lãnh đạo công ty cổ phần tư nhân W.L. Ross & Co, với tài sản ròng vào khoảng 2,9 tỷ USD. Bên cạnh đó, ứng viên Bộ trưởng Giáo dục là nữ tỷ phú Betsy Devos…

Giới chuyên gia nhận định, nhiều thành viên trong nội các tương lai của ông Trump có mối quan hệ gần gũi với thị trường Phố Wall và các tập đoàn lớn ở Mỹ, hơn là số người có kinh nghiệm trong chính trường. Cộng tất cả các yếu tố đó lại thì Tổng thống Mỹ đắc cử đang hình thành nên một nội các hoàn toàn khác biệt so với những người tiền nhiệm. Như thời cựu Tổng thống George W. Bush, nội các của ông có tới 96% nhân vật cấp cao nhiều kinh nghiệm trong điều hành chính phủ, 4% là cựu tướng lĩnh và không có ai là tỷ phú. Còn nội các của Tổng thống Barack Obama có 87% người nhiều kinh nghiệm chính trường, 4% từng là tướng quân đội và cũng không có ai là tỷ phú.

Với việc chỉ định hai tỷ phú và ít nhất 9 triệu phú với tổng tài sản lên đến 5,6 tỷ USD, cùng với đó là hai ứng viên nội các thay hai vị trí tương đương nội các là các cựu tướng lĩnh của Mỹ, để điều hành các cơ quan quan trọng, nội các của ông Trump nhiều khả năng trở thành nội các giàu có nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cứ với tình hình này, một khi vị tỷ phú New York chính thức trở thành người kế nhiệm Tổng thống Obama, chính quyền mới của ông có thể sẽ tập trung vào lợi ích kinh tế, cũng như đưa vấn đề này vào quá trình hoạch định chính sách đối ngoại và đối nội. Giới chuyên gia cho rằng, rất nhiều khả năng ông Trump sẽ chú trọng tới hợp tác kinh tế thiết thực, hơn là những vấn đề “mang tính hão huyền” và không đem lại lợi ích tài chính cho nước Mỹ.

Điều đáng nói ở đây là với nội các mới của ông Trump đa phần là tỷ phú - những nhân vật này liệu có đủ kinh nghiệm trong việc điều hành chính quyền có giúp cho nền kinh tế lớn nhất thế giới giữ vững được sự ổn định. Bởi, điều hành một cơ quan cấp quốc gia, khác xa với việc vận hành một tập đoàn lớn. Đơn cử như các đề xuất cắt giảm thuế mà vị tỷ phú New York này nói trong suốt quá trình tranh cử được cho là đem tới lợi ích nhiều cho giới kinh doanh, giàu có, những người thu nhập cao… chứ hoàn toàn “vô nghĩa” đối với tầng lớp lao động. Trong một cuộc thăm dò mới đây, chỉ có 34% người Mỹ tin, ông Donald Trump trở thành một vị Tổng thống “giỏi”. Theo giới phân tích, có lẽ chính sự lo lắng về mâu thuẫn lợi ích của Tổng thống đắc cử khi ông đang là chủ sở hữu DN lớn đã khiến mức tín nhiệm của ông tụt giảm, khi có đến 59% người tham gia cho rằng quan hệ kinh doanh của ông Trump sẽ ảnh hưởng tới quyết định của ông khi làm Tổng thống.