[Dấu ấn Nghị quyết “tam nông” - Nhìn từ Hà Nội] Bài 1: Đưa nghị quyết “hoá thân” vào cuộc sống

Trọng Tùng - Ánh Ngọc - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

LTS - Năm 2021, việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Hà Nội tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện. Đáng chú ý khi đến nay, 100% đơn vị hành chính cấp xã của TP đã về đích nông thôn mới. Kết quả trên có được là nhờ việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thành tựu của Hà Nội trong hơn 10 năm qua là sự khẳng định chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng đối với lĩnh vực “tam nông”.

Kinhtedothi - Ngay sau khi Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông ngiệp, nông dân, nông thôn được ban hành, Thành uỷ - HĐND - UBND TP đã tổ chức quán triệt sâu rộng đến toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Trên cơ sở đánh giá những khó khăn, hạn chế từ thực tiễn, Hà Nội đã thông qua nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khu vực “tam nông”.
Vạn sự khởi đầu nan
Nằm ở phía Bắc của Thủ đô, huyện Sóc Sơn là một trong những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất của TP. Trước khi Hà Nội sáp nhập thêm một số đơn vị hành chính từ tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phúc, Hà Nội thậm chí đã có nghị quyết riêng dành cho cho huyện Sóc Sơn nhằm thúc đẩy phát triển cho nơi đây. 
Hơn 10 năm trước, các địa phương của Hà Nội bắt tay vào thực hiện Nghị quyết "tam nông" với xuất phát điểm tương đối thấp. Đến nay, diện mạo nông thôn của Thủ đô đã có nhiều đổi thay tích cực. Trong ảnh: Một góc vùng dân tộc miền núi huyện Ba Vì - Ảnh: Diệu Thu.
Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà cho biết, những năm 2010, khi Hà Nội ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để cụ thể hoá Nghị quyết số 26, nhiều chỉ tiêu của huyện mới đạt rất thấp. Hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông qua 25 xã trên địa bàn huyện chưa được cứng hoá; giao thông nội đồng chủ yếu là đường đất. Số trường học đạt chuẩn Quốc gia mới đạt chưa đến 1/3 tổng số cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý.
Cùng với đó, 25/25 xã của huyện Sóc Sơn cũng chưa có trung tâm văn hoá - thể thao; 65 thôn, xóm tại các xã chưa có nhà văn hoá, điểm sinh hoạt cộng đồng. Dịch vụ internet vẫn chưa đến được với người dân sinh sống tại 30% tổng số thôn, làng. Hàng ngàn nhà dân vẫn ở trong tình trạng thiếu kiên cố. Đáng chú ý, có gần 25% tổng số hộ trên địa bàn chưa được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Trong khi đó, ở một địa phương khác ngày mới sáp nhập về với Thủ đô từ tỉnh Vĩnh Phúc năm 2008 là huyện Mê Linh, điều kiện kinh tế - xã hội nhìn chung cũng rất khó khăn. Phó Chủ tịch HĐND huyện Mê Linh Phùng Minh Chiến - người phụ trách lĩnh vực kinh tế của địa phương vào giai đoạn 2010, cho biết hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện thời điểm 10 năm về trước thiếu đồng bộ. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún; tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển.
“Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội cụ thể hoá Nghị quyết số 26, năm 2010, huyện Mê Linh bước vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp. Qua khảo sát 19 tiêu chí, huyện chỉ đạt duy nhất 1 tiêu chí là An ninh trật tự. 11/19 tiêu chí đạt dưới 50%. Đặc biệt, 16/16 xã đều chưa đạt tiêu chí thu nhập và hộ nghèo…” - ông Phùng Minh Chiến thông tin thêm.
Không chỉ tại hai huyện Sóc Sơn, Mê Linh, xuất phát điểm của hầu hết các địa phương trên địa bàn Hà Nội trong những năm 2008 - 2009 nhìn chung còn nhiều khó khăn. Nhiệm vụ còn nặng nền hơn khi Hà Nội là địa phương có tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện xây dựng nông mới lớn nhất cả nước với tổng số 382 xã. Ngoài các xã vùng đồng bằng, bán sơn địa, TP cũng có 14 xã thuộc 5 huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại những địa phương này, điều kiện kinh tế - xã hội thời điểm hơn 10 năm về trước thậm chí còn khó khăn hơn gấp nhiều lần so với khu vực miền xuôi.
Triển khai bài bản, đầu tư xứng tầm
Nhận thức xuất phát điểm của các địa phương còn nhiều khó khăn, để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 26, Thành uỷ Hà Nội đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và ban hành Chương trình hành động số 02-CTr/TU ngày 31/10/2008. UBND TP Hà Nội đã cụ thể hoá Chương trình hành động số 02-CTr/TU bằng việc ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 7/8/2009. Trong đó, giao nhiệm vụ cho các sở, ban ngành tham mưu xây dựng và ban hành một loạt chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với từng gia đoạn và tình hình cụ thể. 
Qua 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành 33 văn bản để chỉ đạo tổ chức triển khai đến các cấp, ban ngành. HĐND TP Hà Nội đã thông qua 7 nghị quyết để thực hiện Nghị quyết số 26. Trên cơ sở đó, UBND TP đã ban hành 103 chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế chính sách tổ chức thực hiện, từng bước đưa Nghị quyết số 26 đi vào cuộc sống.
Hà Nội đã cụ thể hoá Nghị quyết số 26-NQ/TW bằng Chương trình số 02-CTr/TU với mục tiêu hướng đến 3 trụ cột: Nông nghiệp phát triển - Nông thôn văn minh - Nông dân giàu có. Ảnh: Trọng Tùng.
Nổi bật trong các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 26 là trong hai nhiệm kỳ Đảng bộ TP Hà Nội khoá XV và XVI, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành hai Chương trình số 02-CTr/TU của giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020, với mục tiêu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống cho nông dân. UBND TP sau đó cũng đã ban hành các Kế hoạch số 69 và 118, phân công trách nhiệm và tổ chức triển khai đến các cấp, ban ngành và mọi tầng lớp Nhân dân.
Cùng với các cơ chế, chính sách đi kèm nhằm cụ thể hoá Chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội khoá XV và XVI, HĐND - UBND TP Hà Nội đã bố trí nguồn lực rất lớn để tạo điều kiện cụ thể hoá mục tiêu mà Nghị quyết số 26 hướng đến. Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thống kê từ năm 2008 đến hết năm 2020, TP đã huy động tổng kinh phí gần 165.356 tỷ đồng để thực hiện Nghị quyết số 26. Trong đó, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách đạt khoảng 18.681 tỷ đồng. Cách thức triển khai bài bản, cùng với sự quan tâm, đầu tư xứng tầm của TP Hà Nội giúp Nghị quyết số 26 có điều kiện thuận lợi để dần đi vào cuộc sống.
Nghị quyết từng bước đi vào cuộc sống
Có cơ chế, chính sách, nhưng để Nghị quyết số 26 thực sự đi vào cuộc sống lại là bài toán không dễ. Ở đó, công tác thông tin, tuyên truyền, huy động sự vào cuộc chủ động, tích cực của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân là hết sức quan trọng.
Sau khi Thành uỷ Hà Nội tổ chức quán triệt Chương trình hành động số 02-CTr/TU ngày 31/10/2008 cụ thể hoá Nghị quyết số 26, các sở, ban ngành, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội, các quận, huyện, thị xã và các chi đảng bộ cơ sở trên địa bàn TP cũng đã tổ chức nghiên cứu, chỉ đạo học tập Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Nhiệm vụ này đã được các đơn vị tập trung thực hiện rốt ráo và hoàn thành xong trong tháng 12/2008.
Thông qua việc học tập, quán triệt và thông tin, tuyên truyền Nghị quyết số 26, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và đông đảo tầng lớp Nhân dân trên địa bàn TP đều thống nhất cao với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp lớn đã nêu trong Nghị quyết “tam nông”. Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 
Trong quá trình triển khai đưa Nghị quyết số 26, Chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội đi vào cuộc sống, nhiều địa phương đã nghiên cứu, xây dựng, ban hành và triển khai các đề án, dự án sáng tạo, phù hợp với thực tiễn. Điển hình trong số này phải nhắc tới những phong trào rất nổi bật của hai huyện Đan Phượng và Phúc Thọ. 
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, từ năm 2016, địa phương đã phát động phong trào xây dựng nông thôn mới với định hướng “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, Nhân dân đồng thuận”. Phong trào góp phần thay đổi nhận thức, ý thức của người dân, từ đó chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Mô hình là điểm sáng, được lãnh đạo Thành uỷ đánh giá cao, hiện nay đã và đang được nhân rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội. 
Trong khi đó tại huyện Phúc Thọ, cuộc vận động “3 sạch” (Nước sạch - Nông nghiệp sạch - Môi trường sạch), được phát động hồi giữa năm 2017 cũng mang lại hiệu ứng lan toả tích cực. Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phúc Thọ Đỗ Tố Phụng cho biết, thông qua cuộc vận động, phương thức sản xuất của nông dân đã có chuyển biến mạnh mẽ. Việc sử dụng hoá chất trong canh tác nông nghiệp được hạn chế tối đa. Phụ phẩm và phế thải được quản lý tốt trên đồng ruộng… Đặc biệt, ý thức bảo vệ môi trường trong các tầng lớp Nhân dân được nâng cao, đưa huyện Phúc Thọ trở thành vành đai xanh của Thủ đô.
Còn rất nhiều những cách làm hay, sáng tạo được các địa phương trên địa bàn Hà Nội áp dụng vào thực tiễn để cụ thể hoá mục tiêu của Chương trình hành động số 02-CTr/TU mà Thành uỷ ban hành năm 2008 nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 26. Đánh giá cho thấy, hầu hết các cơ chế, chính sách đặc thù của TP đều mang lại hiệu ứng lan toả tích cực. Qua đó, khẳng định chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước khi ban hành Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

“Ý nghĩa lớn nhất của việc đưa Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống là đã giúp người dân hiểu rõ lợi ích, xác định vai trò chủ thể và trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới; thay đổi nhận thức của cán bộ và người dân, từ chỗ hiểu “xây dựng nông thôn mới là một dự án của Nhà nước” sang nhận thức “xây dựng nông thôn mới bằng nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực trong dân là chủ yếu”; xoá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, từ đó tham gia tích cực bằng nhiều hình thức, hoạt động cụ thể…” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến.