[Dấu ấn Nghị quyết “tam nông” - Nhìn từ Hà Nội] Bài 3: Từ “tam nông” đến những miền quê đáng sống

Trọng Tùng - Ánh Ngọc - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, diện mạo nông thôn của Hà Nội đã có nhiều đổi thay tích cực. Tính riêng trong giai đoạn 2011 - 2020, hàng chục ngàn tỷ đồng đã được TP đầu tư phục vụ nâng cấp hệ thống điện - đường - trường - trạm. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao; khu vực nông thôn đang dần trở thành những miền quê đáng sống giữa lòng Thủ đô.

Ngoại thành “khoác áo mới”
Từ một vùng quê nghèo khó, xã Vạn Thái (huyện Ứng Hòa) đã có bước chuyển mình với diện mạo khang trang. Những tuyến đường trục chính, đường liên xã và ngõ xóm được đầu tư, mở rộng. “Năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã quan tâm, huy động hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng. Song song với đó là thực hiện dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất, vận động Nhân dân chuyển sang sản xuất đa canh lúa - cá - vịt. Đến nay, xã đã hình thành được 20 trang trại tập trung, quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao. Có thu nhập, bà con cũng có nguồn lực đóng góp tích cực cho phòng trào Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới…” - Bí thư Đảng uỷ xã Vạn Thái TrầnThị Oánh cho biết.
Không chỉ ở xã Vạn Thái, các vùng quê ngoại thành Hà Nội đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Từ đê sông Hồng nhìn xuống xã Liên Hà (huyện Đan Phượng), hiện ra là những ngôi nhà cao tầng khang trang, sạch đẹp, minh chứng cho sự trù phú của ngôi làng ven sông. “Ở đây, hộ sản xuất lớn, đầu tư máy móc và nhà xưởng lên tới hàng tỷ đồng; hộ sản xuất nhỏ cũng đầu tư từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Nhờ nghề này, tỷ phú ở xã không hiếm…” - Bí thư Đảng uỷ xã Liên Hà Dương Văn Cảnh vui mừng cho hay.
Một tuyến đường bích hoạ tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, trong gần 15 năm qua, với sự chỉ đạo quan tâm chỉ đạo sát sao và đầu tư nguồn lực lớn, các huyện, thị xã đã đầu tư được gần 6.000km giao thông nông thôn; 1.470 trường học được xây mới, nâng cấp, cải tạo; hàng nghìn nhà văn hóa, trung tâm thể thao ở các thôn, làng được đầu tư khang trang. Đến nay, TP đã có 12/18 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, Hà Nội có 368/382 xã (chiếm 96,3%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Cuộc sống ở các vùng quê ngày một đổi thay tích cực, thu nhập của người dân được nâng cao. Quan trọng hơn, họ được sống trong môi trường ngày càng văn minh, hiện đại. Hiện, hầu hết các làng quê của Hà Nội đều thực hiện việc cưới, việc tang văn minh, không ăn cỗ trong đám tang, giảm cỗ bàn trong đám cưới. 
Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi ở nhiều địa phương như: Phong trào chơi bóng chuyền hơi ở xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), hát chèo tàu ở xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), các đội cồng chiêng ở các xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (huyện Thạch Thất)...
Lan tỏa nếp sống xanh
Dạo khắp ngoại thành Hà Nội từ vùng núi Ba Vì, Sơn Tây tới các huyện ven đô: Thanh Oai, Hoài Đức, Đông Anh; ngược sang Sóc Sơn, Mê Linh... không khó để bắt gặp những tuyến đường làng ngợp sắc hoa, khang trang, sạch đẹp.
Tại xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai), thứ bảy, chủ nhật là “ngày dành cho môi trường”. Vào hai ngày này, gia đình nào cũng tranh thủ tham gia lao động công ích với nhiều hoạt động như: Thu gom rác thải, trồng cây xanh, nhổ cỏ tại tuyến đường hoa của thôn. 
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Dương Hà Thị Thu Huyền cho biết, đến nay, các hội viên phụ nữ trong xã đã chung tay xây dựng được 9 đoạn đường hoa ở hầu hết các thôn với tổng chiều dài 2km; các gia đình đều cải tạo, trồng hoa trước cổng nhà và treo tường; nhiều tuyến đường bích họa cũng được hình thành…“Vui mừng nhất là toàn bộ kinh phí cho việc trồng hoa, vẽ tranh tường hay đổi rác thải nhựa lấy cây xanh đều được xã hội hóa, người dân nhiệt tình tham gia ủng hộ” – bà Hà Thị Thu Huyền chia sẻ. 
Người dân xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn) hiến đất, đóng góp ngày công mở rộng đường giao thông nông thôn. Ảnh: Trọng Tùng.
Nhiều vùng nông thôn của Hà Nội đã có đèn điện chiếu khắp đường làng, ngõ xóm. Tại xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) từ cuối năm 2019, Nhân dân đã chung tay xã hội hóa, lắp đặt hệ thống chiếu sáng toàn thôn. Có điện, người dân trong thôn đi lại thuận tiện, nhiều gia đình bắt đầu hình thành thói quen đi dạo, tập thể dục vào buổi tối. 
“Nhữngnăm qua, xã làm mới được 182/184 tuyến giao thông ngõ xóm với hình thức nhà nước hỗ trợ vật liệu, Nhân dân đóng góp ngày công. Có đường mới, Nhân dân tiếp tục đóng góp tiền của, công sức để lắp đặt hệ thống chiếu sáng giúp mọi sinh hoạt buổi tối trở nên thuận tiện, an ninh trật tự được bảo đảm…” - Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên Lê Đình Bình thông tin. 
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, huyện thường xuyên phát động các đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường và trồng hoa trên các tuyến đường. Đến nay, tổng diện tích trồng hoa tại các xã, thị trấn trên địa bàn đã đạt hơn 86.000m2; trên 90% khuôn viên trong và ngoài trường học, trụ sở làm việc cơ quan đơn vị, tổ chức, các xã, thị trấn, nhà văn hóa thôn, đình, chùa, doanh nghiệp... đều được trồng hoa và cây xanh.
Thành quả từ huy động sức dân 
Xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ) là đơn vị tiêu biểu trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, nhờ sự kích hoạt đúng cách của các cấp ủy Đảng địa phương trong khơi thông nguồn lực. Trong tổng kính phí xây dựng nông thôn mới của xã là hơn 136 tỷ đồng thì sự đóng góp của Nhân dân và thực hiện xã hội hóa chiếm gần 24 tỷ đồng. Trong đó, riêng xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, địa phương đã huy động được hơn 8 tỷ đồng đầu tư các công trình xây mới nhà văn hóa; cải tạo sân thể thao, bóng chuyền hơi; chỉnh trang ao làm hồ sinh thái…
Bí thư Đảng ủy xã Trường Yên Lê Thị Hạnh chia sẻ bí quyết của việc huy động được nguồn lực để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội hóa của địa phương là mọi việc chung dù là nhỏ nhất đều được các cụm dân cư họp bàn bạc kỹ lưỡng. Ban kiến thiết, Ban vận động do Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận, cán bộ đoàn thể làm chủ chốt được thành lập, với nhiệm vụ giải thích rõ mục đích, ý nghĩa để “dân biết, dân bàn”.
Bất kỳ ai đến thôn Thị Nguyên, xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) đều ấn tượng với hình ảnh làng văn hóa kiểu mẫu của Thủ đô. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, Nhân dân trong thôn đã góp sức bê tông hóa 100% các tuyến đường làng, ngõ xóm. Thôn cũng mở rộng được 12 góc cua đường chật với tổng kinh phí 150 triệu đồng; tạo dựng 4 tuyến đường hoa, cây xanh, xây dựng cổng làng. Bên cạnh đó, người dân trong thôn còn tình nguyện đóng góp 500 triệu đồng mua dụng cụ tập thể dục thể thao, ghế đá đặt ở nơi công cộng…
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, bắt tay xây dựng thí điểm làng văn hóa kiểu mẫu cấp TP từ năm 2018, đến nay, huyện đã có 4 làng được công nhận là làng văn hóa kiểu mẫu gồm: Thôn Minh Kha (xã Bình Minh), thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng), thôn Thị Nguyên (xã Cao Dương) và thôn Hoàng Trung (xã Hồng Dương). Việc xây dựng các làng văn hóa kiểu mẫu đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để huyện không ngừng nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cũng như tạo động lực giúp địa phương hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị. 
Có thể khẳng định, song song với phát triển sản xuất, 18 huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã quan tâm, thực hiện tốt công tác gìn giữ, bảo vệ môi trường gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, cũng như tăng cường đầu tư các công trình phúc lợi xã hội. Tất cả đều hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, là những miền quê đáng sống của mỗi người dân.
Chia sẻ về việc triển khai Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy cụ thể hoá Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phúc Thọ Đoàn Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, địa phương đã phát động phong trào “3 sạch” (nước sạch, môi trường sạch và nông nghiệp sạch) với các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể cho từng thôn, xã. Phong trào nhanh chóng được Nhân dân hưởng ứng, chung tay thực hiện. Nhiều xã đã lắp đặt biển chỉ dẫn tuyến đường thôn xóm, đánh số nhà; nông dân ký cam kết và thực hiện xử lý chất thải chăn nuôi trước khi thải ra môi trường, không sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật... Nhờ đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên rõ rệt, nếp sống xanh đang dần được hình thành.
“Thời gian qua, Hà Nội luôn xác định gắn việc triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tạo dựng cảnh quan làng quê xanh, sạch, đẹp. Nếp sống mới trong mỗi làng quê đang hình thành từ sự hội tụ của truyền thống và hiện đại. Đây là yếu tố cốt lõi để nông thôn mới Hà Nội mang bản sắc của mảnh đất ngàn năm văn hiến và nông thôn trở thành những miền quê đáng sống của mỗi người dân...” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương