Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Dấu ấn Nghị quyết “tam nông” - Nhìn từ Hà Nội] Bài 4: Định hình tương lai “tam nông” Hà Nội

Trọng Tùng - Ánh Ngọc - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những kết quả nổi bật, toàn diện của gần 15 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, đòi hỏi đặt ra hiện nay đối với Hà Nội là cần xác định đường hướng phát triển “tam nông” cho tương lai, hướng đến mục tiêu “nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh”.

Nông nghiệp thông minh là xu thế
Theo đánh giá của TS Lê Thành Ý (Hội Khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam), Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ điều kiện kinh tế - xã hội để phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao. Ở đó, lợi thế được cho là lớn nhất là trên địa bàn TP có nhiều viện nghiên cứu đầu ngành, các chuyên gia kinh tế và nông nghiệp hàng đầu. Cùng với đó là những doanhnghiệpcó tiềm lực tài chính lớn để đầu tư phát triển.
Trên cơ sở lợi thế sẵn có về nguồn trí thức, TS Lê Thành Ý cho rằng, nông nghiệp Thủ đô cần mở rộng hoạt động nghiên cứu nhằm tạo ra các loại vật tư và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sau thu hoạch và chế biến bảo quản. Cùng với đó, Hà Nội phải coi trọng việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị trong nước chưa làm được trên cơ sở nghiên cứu thử nghiệm, thích nghi và làm chủ được công nghệ nhập từ bên ngoài.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm ăn tại một doanh nghiệp ở huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Nhấn mạnh nông nghiệp thông minh là xu thế của thế giới, cũng là lĩnh vực mới phát triển, không chỉ ở Hà Nội mà còn trên phạm vi cả nước, TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề mà TP cần quan tâm, đẩy mạnh. Điều này sẽ giúp Hà Nội chủ động hơn trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh.
“Công tác khuyến nông của Hà Nội cũng nên tập trung vào đào tạo kỹ năng thay đổi mô hình kinh doanh số, trước tiên là dành cho các hợp tác xã, doanh nghiệp. Xây dựng các mô hình chuyển đổi số thử nghiệm ở cấp cơ sở dựa trên kiến trúc nền tảng thống nhất chung…” - TS Đào Thế Anh khuyến nghị.
Cùng chung quan điểm này, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, hiện nay kinh tế số đang là xu thế tất yếu của thời đại, được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và từng lĩnh vực, từng người dân.
Với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế quốc dân, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một trong những yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợptác xã, doanhnghiệpnâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn. 
Xây dựng thế hệ nông dân mới
Để theo đuổi một nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp số,người nông dân phải là chủ thể. Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho rằng, HàNội hay bất cứ địa phương nào trong quá trình phát triển mới cũng cần phát huy vai trò chủ thể của nông dân gắnvới xây dựng con người mới. Phát huy vai trò chủ thể của nông dân, theo ông Đoàn chính là xây dựng và phát huy yếu tố con người; xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải là vấn đề phát triển số lượng, mà điều cốt lõi là phải tạo cho được sự biến đổi về chất lượng chính trị của nông dân, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước. 
“Thực hiện Chương trình chuyển đổi số Quốc gia mà Chính phủ đã đề ra, mỗi nông dân sẽ là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số. Một thế hệ nông dân thông minh sẽ hình thành từ chính những thay đổi của hôm nay…” - ông Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh. 
Hà Nội định hướng xây dựng nông thôn ngoại thành với các tiêu chí tiệm cận đô thị. Ảnh: Trọng Tùng. 
Theo Tiến sỹ Cao Thị Hà (Học viện Hành chính Quốc gia), trong xu thế nông nghiệp mới hiện nay, cách thức khuyến nông và tổ chức sản xuất theo kiểu “cầm tay, chỉ việc, làm theo” cho nông dân không còn phù hợp. Cách thức như vậy vô tình tạo ra những rào cản về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong hội nhập phát triển, không gian nông nghiệp thêm mở rộng, thôi thúc trí tuệ, tiềm năng, sáng tạo của nông dân được khai phóng… trở thành nguồn lực và sức mạnh cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn tăng tiến và phát triển bền vững,
Theo đó, phải tạo dựng người nông dân thế hệ mới có khát vọng làm giàu, có kiến thức kinh tế nông nghiệp, nông thôn, gắn sản xuất với thị trường trong liên kết, hợp tác lao động có tổ chức, có kỹ thuật, kỷ luật cao; có trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường ngay trong từng sản phẩm; có lối sống lành mạnh và giàu bản sắc dân tộc… là điểm chung trong các nội dung hợp tác, phát triển “tam nông” trong giai đoạn tới.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, những năm qua, nông dân Hà Nội đã khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, hăng hái lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất… Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với hàng loạt những đột phá về khoa học và tiến bộ công nghệ, tạo ra cả những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, nông dân. 
Theo đó, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến mong muốn nông dân cần phát huy vai trò chủ động, không ngừng thi đua, học hỏi; tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn; thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp… Từ đó hình thành thế hệ người nông dân mới có năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của thị trường, thực hiện ngày một tốt hơn vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. 
Từng bước đô thị hoá nông thôn
Thực hiện Quyết định số 676/QĐ-TTg ngày 18/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020, TP Hà Nội đã tập trung xây dựng nông thôn mới tại 18 huyện, thị xã.Đến nay, toàn TP đã có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và Sơn Tây. 
Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, căn cứ vào định hướng đến năm 2025, TP Hà Nội sẽ có năm huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức) lên thành quận. Vì vậy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo năm huyện trên kết hợp xây dựng nông thôn mới với việc xây dựng các tiêu chí xã lên phường, huyện lên quận.
Bên cạnh đó, TP cũng chỉ đạo các huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội xây dựng nông thôn mới theo định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp với định hướng đô thị hóa; từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.
Trêncơ sở định hướng của TP, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, địa phương đang gắn địnhhướng xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; hình thành khu vực dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị.
Nhấnmạnh xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, các huyện đã hoàn thành nông thôn mới tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng đô thị. Trong đó, chú trọng quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh tập trung, làng nghề, các khu, cụm công nghiệp làng nghề… Đặc biệt, cần tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển dịch vụ gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái và cộng đồng.
“Hà Nội cần thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh. Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp thu các công nghệ nông nghiệp, phương thức quản trị số phù hợp của thế giới hướng đến tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả cao…” - TS Đào Thế Anh,  Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, quá trình đô thị hóa của Hà Nội đang diễn ra trên diện rộng. Do vậy, phát triển các loại hình kinh tế đô thị nói chung, nông nghiệp đô thị nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây được xem là động lực nội tại thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô. “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định Hà Nội hướng đến xây dựng đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Để làm được điều đó, cần có một tầm nhìn mới, tư duy mới trong việc tổ chức nông nghiệp đô thị và những giải pháp hết sức căn cơ, bài bản…” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường bày tỏ quan điểm