[Dấu ấn Nghị quyết “tam nông” - Nhìn từ Hà Nội] Bài 5: Nghị quyết “tam nông” không thể thiếu trong tình hình mới

Trọng Tùng - Ánh Ngọc - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Hà Nội nói riêng và các tỉnh, TP trên cả nước nói chung đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong giai đoạn phát triển tới, việc ban hành một nghị quyết mới về “tam nông” được xem là đòi hỏi cấp thiết. Phóng viên Kinh tế&Đô thị ghi nhận chia sẻ của Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương xung quanh nội dung này.

Thành tựu đạt được là “to lớn, toàn diện”
Ông có thể đánh giá về những thành tựu cơ bản mà Việt Nam đã đạt được sau 13 năm triển khai Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Có thể nói, sau quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đất nước ta đã thu được rất nhiều thành tựu nổi bật. Chúng ta đã phát triển được một nền nông nghiệp theo hướng hiện đại. Giai đoạn 2008 - 2020, nông nghiệp liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao với bình quân 2,94%/năm. Cơ cấu sản xuất có sự chuyển đổi tích cực, chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng. 
Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào mạnh mẽ, lan rộng cả nước. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm trước 1,5 năm với những thành tựu được Chính phủ đánh giá là to lớn, toàn diện và lịch sử. Nông thôn Việt Nam có nhiều khởi sắc. Cơ sở hạ tầng được cải thiện, kinh tế nông thôn phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. 
Nổi bật trong thành tựu của Nghị quyết số 26-NQ/TW là thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn tăng nhanh hơn thu nhập của cư dân thành thị, từ 12,8 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 42 triệu đồng/năm (năm 2020). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh, bình quân khoảng 1,5%/năm; đến đầu năm 2021, con số này còn khoảng 4,2%. 
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tuy nhiên, kết quả của việc tổ chức triển khai Nghị quyết số 26 cũng cho thấy nhiều hạn chế, bất cập, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Đúng vậy. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng những bất cập, hạn chế không phải đã hết. Đó là những bất cập từ thể chế, công tác quản lý Nhà nước đến đầu tư, xây dựng. Cùng với đó là nhận thức và sự tham gia của các tầng lớp xã hội đối với công cuộc phát triển “tam nông”. 
Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, tăng trưởng ngành nông nghiệp là đáng khích lệ nhưng đang có xu hướng chậm lại, chưa bền vững, chủ yếu dựa trên thâm dụng tài nguyên. Việc xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá; công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn hạn chế. Nhiều địa phương đang tập trung phát triển công nghiệp để thúc đẩy kinh tế, chưa chú trọng đầu tư cho nông nghiệp. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn còn bấp bênh, chênh lệch vùng miền, giữa nông thôn và đô thị còn cao…
Nghị quyết mới về phát triển "tam nông" được đánh giá là cần thiết trong tình hình mới. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Sẽ có nghị quyết mới về phát triển “tam nông”
cơ quan thường trực được Bộ Chính trị giao tổng kết Nghị quyết 26, ông có thể chia sẻ một chút về tiến độ nhiệm vụ đến nay?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Hiện, Ban Kinh tế Trung ương đang tiếp tục làm việc với các bộ ngành, tỉnh, TP (bao gồm cả Hà Nội). Trên cơ sở đánh giá, tham góp của các đơn vị, địa phương, Ban Kinh tế Trung ương sẽ đề xuất dự thảo Nghị quyết mới để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thông qua. 
Dự thảo nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành tới đây sẽ đánh giá chính xác và sát với tình hình thực tế. Đồng thời đề xuất những nhóm giải pháp nhằm phát huy kết quả và thành tựu đã đạt được, cũng như xác định yếu tố mới và tác động của kinh tế thế giới với Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, dự thảo xem xét tới biến đổi khí hậu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Những nhóm giải pháp chính nào sẽ được đề cập đến trong nghị quyết mới về “tam nông”, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Nhiều nhóm giải pháp sẽ được đưa ra, từ phát triển thể chế; tăng cường nhận thức; ứng dụng công nghệ; chuyển đổi số và những việc không thể thiếu được như tăng cường đầu tư của Nhà nước, huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bên cạnh đó, chúng ta đang hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh thì phải tính toán để phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Coi đây là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.
 Xin cảm ơn ông!
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, hiện có khoảng 14.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Do đó, trong sửa đổi nghị quyết mới về “tam nông” tới đây, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu chính sách thuế theo hướng mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp để chia sẻ rủi ro. Ngoài ra, đầu tư ngân sách Nhà nước cho khu vực nông nghiệp, nông thôn có thể tăng gấp đôi so với giai đoạn trước để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Đánh giá Nghị quyết số 26-NQ/TW được ban hành rất kịp thời, song trong bối cảnh mới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng cần ban hành nghị quyết mới về “tam nông” để giúp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, gắn với đô thị hóa. Nghị quyết mới sẽ định hướng sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu và xoay quanh ba trụ cột: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.
Sau gần 15 năm Nghị quyết số 26-NQ/TW đi vào cuộc sống, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho rằng, đời sống của bà con nông dân còn nhiều khó khăn, vẫn là lực lượng yếu thế, thu nhập thấp nhất trong các giai tầng xã hội. Chính vì vậy trong nghị quyết mới về “tam nông” tới đây, cần đặt chủ thể người nông dân lên hàng đầu; quan tâm nhiều hơn đến người nông dân, làm sao để nông dân nâng cao nhận thức, kiến thức, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp trên cơ sở tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần