Dấu chấm hết cho tập đoàn Takata

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với quyết định xin bảo hộ phá sản, tập đoàn Takata cũng chốt được thỏa thuận sáp nhập với nhà cung cấp phụ tùng KSS sau 16 tháng đàm phán...

Ngày 26/6 vừa qua, tập đoàn sản xuất túi khí Nhật Bản Takata chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ và Nhật Bản. Giới phân tích quốc tế cho rằng việc phá sản của Takata được xem như kết cục của một trong những bê bối lớn nhất ngành xe hơi thế giới.
Việc phá sản của Takata được xem như kết cục của một trong những bê bối lớn nhất ngành xe hơi thế giới. Ảnh: Getty
Túi khí an toàn của Takata từng được thị trường rất ưa chuộng trước khi mắc lỗi nghiêm trọng làm dễ vỡ, nổ và bắn ra kim loại dẫn đến hơn 16 trường hợp tử vong và 180 ca chấn thương trên toàn thế giới.
Takata đang đối mặt với khoản thiệt hại từ 10 - 50 tỷ USD vì chi phí và trách nhiệm pháp lý sau gần một thập kỷ kiện tụng và thu hồi ô tô. Tuy nhiên, các khoản nợ có thể còn tiếp tục gia tăng tùy thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà sản xuất xe hơi như: Honda, BMW, Toyota - những đối tác đã phải tự bỏ tiền ra thay thế túi khí bị lỗi do Takata sản xuất.
Ngoài ra, Takata sẽ phải giải quyết các vụ kiện từ những người được cho là bị thương vì túi khí nổ, đồng thời phải đạt thỏa thuận với khách hàng về phân chia trách nhiệm chi trả các chi phí thu hồi. Cổ phiếu của Takata sẽ bị hủy niêm yết vào ngày 27/7 trong khi giá trị cổ phiếu đã giảm khoảng 95% kể từ khi các vụ bê bối xảy ra vào năm 2014.
Ông Scott Caudill - Giám đốc điều hành TK Holdings, chi nhánh của Takata tại Mỹ cho biết, tập đoàn này dự kiến phải thu hồi khoảng 125 phương tiện trên toàn thế giới tính đến năm 2019, trong đó có khoảng 60 phương tiện tại Mỹ. Cũng theo ông Caudill, mọi việc dường như đã vượt quá sức chịu đựng của Takata. Các nhà phân tích đánh giá, phương án phá sản để tái cơ cấu được xem là sự lựa chọn tối ưu nhất vào thời điểm hiện tại đối với Takata.
Cùng với quyết định xin bảo hộ phá sản, tập đoàn Takata cũng chốt được thỏa thuận sáp nhập với nhà cung cấp phụ tùng KSS sau 16 tháng đàm phán. Nhà cung cấp phụ tùng KSS, do công ty Ningbo Joyson Electronic (Trung Quốc) sở hữu sẽ mua lại một phần các hoạt động kinh doanh của Takata với giá khoảng 1,5 tỷ USD. KSS cho biết, họ hy vọng sẽ hoàn tất thỏa thuận cuối cùng và quy trình chuyển đổi trong quý đầu tiên của năm 2018.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc phá sản của nhà cung cấp phụ tùng xe hơi hàng đầu thế giới được dự báo sẽ khiến một loạt các hãng xe hơi lớn rơi vào tình huống khó khăn, trước hết là các hãng xe Nhật như Toyota và Nissan, sau đến các hãng BMW (Đức), Ford và General Motor (Mỹ).