Dấu hỏi sau lời hứa của COP26

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 3 ngày trực tiếp tham dự và phát biểu tham luận tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc COP26, các nguyên thủ quốc gia đã đưa ra không ít cam kết ý nghĩa. Nhưng câu hỏi lúc này vẫn là khả năng thực sự của nguồn tài chính mà các nước có thể cung cấp theo lời hứa của họ.

Những cam kết lớn của COP26
Trong 3 ngày đầu thảo luận cấp cao nhất của hội nghị, bắt đầu từ hôm 1/11, các nhà lãnh đạo quốc gia đã nhất trí với 2 tiến bộ quan trọng về biến đổi khí hậu: Cam kết hạn chế phát thải khí metan 30% vào năm 2030 và đồng ý về một thỏa thuận chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.

Tổng cộng hơn 100 quốc gia hiện đã tham gia các nỗ lực do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu nhằm cắt giảm 30% lượng khí thải metan vào năm 2030, gọi là Cam kết Khí metan Toàn cầu. Được công bố lần đầu tiên vào tháng 9 năm nay, các bên ký cam kết hiện đại diện cho 70% nền kinh tế toàn cầu và gần một nửa lượng khí thải metan do con người gây ra, bao gồm Brazil - một trong 5 quốc gia phát thải lớn nhất thế giới.

Metan là một khí nhà kính mạnh có khả năng giữ nhiệt cao hơn so với khí carbon dioxide (CO2). Mặc dù là khí nhà kính chính xếp thứ 2, metan được ước định sẽ chỉ phân hủy sau 2 thập kỷ. Điều này có nghĩa là việc cắt giảm lượng khí thải metan có thể có tác động nhanh chóng đến sự nóng lên toàn cầu. Nếu được đáp ứng, Cam kết Khí metan Toàn cầu được cho có thể ngăn chặn sự ấm lên 0,2 độ C vào giữa thế kỷ này, là điều vô cùng cần thiết để thực hiện Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015.
 Nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi Greta Thunberg đã kêu gọi Hội nghị COP26 đẩy mạnh hành động thực chất hơn. Ảnh: Reuters
Bên cạnh đó, hơn 100 nhà lãnh đạo quốc gia, chiếm 85% diện tích rừng trên thế giới, cũng đã cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng cũng như suy thoái đất vào cuối thập kỷ này. Tiến bộ này đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với COP26, bởi rừng hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải CO2, ngăn không cho hành tinh nóng lên. Khi nạn phá rừng không ngừng diễn ra, thế giới đã mất 258.000 km2 rừng vào năm 2020. Điều này không chỉ dẫn đến sự biến mất của vùng đệm tự nhiên này, thậm chí còn khiến rừng Amazon quý giá thải ra nhiều khí CO2 hơn lượng nó hấp thụ - một trong những hiện tượng đáng lo ngại nhất.

12 quốc gia, bao gồm cả chủ nhà COP26 Vương quốc Anh, cam kết hỗ trợ Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Glasgow về Sử dụng rừng và đất bằng cách cung cấp 12 tỷ USD tài chính công từ năm 2021 - 2025, để hỗ trợ các hoạt động ở các nước đang phát triển, bao gồm khôi phục đất đai và khắc phục cháy rừng. Các quốc gia khác đã cam kết cung cấp thêm 1,7 tỷ USD để hỗ trợ người dân bản địa bảo tồn rừng và tăng cường quyền đất đai của họ. Và thêm 7,2 tỷ USD tài trợ của khu vực tư nhân để loại bỏ đầu tư vào các hoạt động gây mất rừng.

Thách thức lớn nhất đối với các quốc gia giàu có tại COP26 là việc lấy lại lòng tin của các nước đang phát triển, cũng như của các nhà hoạt động vì môi trường và các nhà khoa học. Kể từ khi một báo cáo được công bố giải thích rằng các nước phát triển sẽ cung cấp 100 tỷ USD tài chính khí hậu đã hứa mỗi năm cho các nước nghèo hơn - được cho là dễ tổn thương vì biến đổi khí hậu - chỉ có thể đạt được vào năm 2023, thay vì là năm 2020 theo thỏa thuận trước đó, nhiều quốc gia đã tỏ thái độ ngờ vực về quyết tâm của các nước lớn.

Sự nghi ngại được chỉ ra trong chính các lời hứa mới tại COP26. Chẳng hạn về cam kết hạn chế lượng khí thải metan, các thành viên của Cam kết đã không đưa ra bất cứ mục tiêu cá nhân nào về giảm lượng khí thải của quốc gia, mà chỉ là “cam kết hợp tác với nhau để cùng giảm lượng khí thải metan do con người trên toàn cầu”. Bất kỳ quốc gia nào cũng có thể đăng ký mà không cần lập danh sách các chính sách và mục tiêu, cung cấp quá ít sự minh bạch hoặc kế hoạch chi tiết nào. Điều này bị chỉ trích có thể dẫn đến việc nhiều quốc gia dễ dàng đồng ý vì mục đích “rửa xanh” - thuật ngữ chỉ các hoạt động đầu tư và đấu tranh vì môi trường chỉ mang tính hình thức, đánh bóng tên tuổi.

Không ràng buộc, ai sẽ trả tiền?

Khi các nhà lãnh đạo đã rời hội nghị sau 3 ngày tham dự, các đại biểu của các nước trong ngày làm việc thứ 4 đã tập trung vào việc làm thế nào để kết hợp tài chính tư nhân với nguồn tài trợ của khu vực công, nhằm thúc đẩy đầu tư toàn cầu và các dự án công nghệ, đổi mới và cơ sở hạ tầng tích cực với thiên nhiên nhằm đảm bảo nguồn vốn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mark Carney, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, đã dẫn đầu việc kêu gọi hơn 450 công ty vào Liên minh tài chính Glasgow cho mạng lưới Net Zero (GFANZ). Liên minh này đã công bố 130.000 tỷ USD trong Cam kết tài chính khí hậu, hướng đến việc khử cacbon có ý nghĩa. Tất cả các thành viên GFANZ phải phù hợp với cái gọi là tiêu chí “về 0”, nghĩa là họ phải đưa ra các hướng dẫn và ưu tiên, dựa trên khoa học, để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đặt ra các mục tiêu tạm thời cho năm 2030. Hiện họ có 18 tháng để đặt ra các mục tiêu đầu tiên về giảm tài chính đối với tăng cường phát thải.

Ngoài ra, “gã khổng lồ” đầu tư BlackRock đã gây quỹ được 673 triệu USD cho Đối tác Tài chính Khí hậu của họ. Mối quan hệ đối tác này có nghĩa là tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng khí hậu trên các thị trường mới nổi - khắp châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh - để giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi toàn cầu sang một nền kinh tế không thuần. Các nhà đầu tư đang nhận được sự trợ giúp từ các ngân hàng phát triển thuộc sở hữu nhà nước từ Pháp, Đức và Nhật Bản. Họ đã tuyên bố sẽ cung cấp 20% vốn của quỹ và đã đồng ý chịu lỗ trước các nhà đầu tư. Điều này sẽ tạo ra một nguồn vốn khổng lồ để hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, tất cả những tiến bộ tài chính khí hậu tại COP26 kể trên được cảnh báo chắc chắn sẽ thất bại - tương tự như đa số các thỏa thuận khí hậu từ năm 1997 đến nay - trừ khi các chính phủ đưa ra những điều luật chặt chẽ hơn, buộc các bên phải chịu trách nhiệm. Nhưng ngay cả trong trường hợp quyết tâm cao như chủ nhà COP26, Vương quốc Anh cũng không đưa ra các cam kết bắt buộc cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, mà vẫn chỉ dừng ở các yêu cầu tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

“Hơn 130.000 tỷ USD và không có một quy tắc nào được đặt ra để ngăn cản dù chỉ 1 USD đầu tư vào việc mở rộng lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch” - Lucie Pinson - Giám đốc điều hành của Reclaim Finance, đưa ra bình luận đáng suy ngẫm về cam kết tài chính khí hậu tại COP26.

Trong khi tỷ phú Michael Bloomberg, người tham gia GFANZ với tư cách là đồng Chủ tịch, đã viết trong một bài xã luận hôm 3/11 rằng các DN đang đối mặt với rủi ro khí hậu và họ hoàn toàn có thể rút tiền khỏi cuộc đua đến năng lượng sạch. “Đây là nhan đề lớn phải được giải quyết khi các công ty bắt đầu biến các cam kết khí hậu thành kế hoạch hành động. Thành công sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự phối hợp của các bên và trách nhiệm giải trình, chịu trách nhiệm trước công chúng” - ông Bloomberg viết.

Hơn 130.000 tỷ USD và không có một quy tắc nào được đặt ra để ngăn cản dù chỉ 1 USD đầu tư vào việc mở rộng lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch - Lucie Pinson - Giám đốc điều hành của Reclaim Finance đưa ra bình luận đáng suy ngẫm về cam kết tài chính khí hậu tại COP26.