Cuộc tấn công ngày 7/10 của lực lượng Hamas vào Israel khiến 1.400 người thiệt mạng và 200 người bị bắt cóc, đẩy gia đình của các con tin vào tình trạng hoang mang do mất liên lạc hoàn toàn với người thân.
Theo các chuyên gia tình báo, Hamas có thể đã chia con tin thành những nhóm nhỏ và giam giữ trong một mê cung đường hầm phía dưới Gaza. Họ cũng cảnh báo rằng thời điểm này không thích hợp để giải cứu con tin bằng vũ lực, do đe dọa đến tính mạng người bị bắt.
Trong bối cảnh này, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Qatar Al Thani để tìm kiếm phương án hiệu quả cho công cuộc giải cứu con tin.
Đại diện nhiều nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Pháp cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán nhằm giải cứu các con tin.
Nhiều nhà ngoại giao hy vọng rằng Qatar, một đồng minh của Mỹ nhưng vẫn duy trì đường dây liên lạc với Hamas, cũng như việc hiện tại nhiều lãnh đạo Hamas đang sinh sống ở Doha, có thể là yếu tố giúp quốc gia vùng Vịnh thuyết phục tổ chức này trao trả con tin.
Bằng những nỗ lực không ngừng nghĩ, Qatar đã thành công thuyết phục Hamas thả hai con tin người Mỹ gốc Israel là bà Judith Tai Raanan (59 tuổi) và con gái Natalie Shoshana Raanan (19 tuổi) vào hôm 20/10. Điều này giúp nhiều người hi vọng về việc Hamas sẽ trả tự do cho nhiều con tin hơn.
Về lý do những con tin được thả, nhiều chuyên gia đã đưa ra những lập luận khác nhau nhằm giải thích động cơ thực sự của Hamas.
Robert D'Amico, cựu nhân viên FBI chuyên điều tra các vụ bắt giữ con tin nước ngoài, cho biết hai người được thả có thể là do quốc tịch của Mỹ của mình cũng như tình trạng sức khỏe còn tốt.
Hamas có thể đang cố xoa dịu những động thái trả đũa liên tục từ Israel nhắm vào Gaza thông qua việc cải thiện hình ảnh với Mỹ. Tổng thống Joe Biden và nhóm của mình đang đóng vai trò là cố vấn chiến lược trong những nước đi của Israel đối với Gaza, cho dù ảnh hưởng thực chất của Washington đối với kế hoạch tấn công Gaza của Tel Aviv vẫn là một dấu hỏi.
Về phía Hamas, các nhà lãnh đạo nhóm này cho biết họ làm điều này là vì mục đích nhân đạo mà không phải là một động cơ sâu xa nào khác.
Như nhấn mạnh thêm điều này, Khalil al-Hayya, một thành viên của Bộ Chính trị Hamas, đã lập luận thêm rằng các thành viên của Lữ đoàn Qassam, thuộc Hamas đã được chỉ thị là không làm hại hay bắt giữ dân thường. Tuy nhiên, ngay sau khi nhóm vũ trang này vượt qua hàng rào phòng thủ của Israel, các nhóm vũ trang khác đã tràn vào phía sau và sát hại người dân Israel cũng như bắt cóc hàng trăm thường dân về Gaza.
Ông cũng cho biết thêm quân đội Israel nên dừng việc ném bom để Hamas có thể tranh thủ thời gian trao đổi với các bên liên quan về việc thả thêm con tin.
Sau khi lực lượng Hamas trao trả hai con tin vào hôm 20/10, chính phủ Israel đã tạm ngừng bắn và cho phép các đợt viện trợ nhân đạo vào Gaza được tiến hành.
Yakov Peri, cựu lãnh đạo Shin Bet, cơ quan an ninh Israel, cho biết: “Chính động thái trả tù binh của Hamas đã thúc đẩy những người dân Israel có người thân bị giam ở Gaza gây áp lực lên chính phủ Israel và buộc họ phải tạm ngừng bắn cho đến khi con tin được thả”.
Tuy vậy, ông Peri cho biết thêm: “Đây là những gì mà Hamas đang tính toán, chúng ta không nên rơi vào bẫy”.
Lời cảnh báo của ông Peri cũng cần phải xem xét cẩn thận khi Hamas tuyên bố rằng họ sẽ không thả bất kỳ binh sĩ Israel nào bị bắt cho đến khi thỏa thuận thả tù nhân Palestine trong các nhà tù Israel được thông qua. Tuy nhiên, Jerusalem vẫn chưa chấp thuận bất kỳ đề xuất nào của lực lượng Hamas, bao gồm cả việc tạm dừng ném bom.