Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia ở Tokyo, khi được hỏi liệu đó có phải là một lựa chọn hay không, ông Wissing trả lời: "Không ... nếu tất cả các nước châu Âu phản ứng theo cách mà Italia đã làm, thì cuối cùng chúng ta sẽ không thấy bất kỳ ứng dụng AI nào được phát triển ở châu Âu. Và sau đó sẽ chỉ có các hệ thống của Trung Quốc để giải quyết vấn đề trong tương lai," ông nói.
Trong tháng 4, Italia đã tạm thời chặn ChatGPT sau một vụ vi phạm dữ liệu để điều tra khả năng vi phạm các quy tắc bảo vệ dữ liệu của Liên minh Châu Âu.
Ông nói: "Các chế độ muốn sử dụng AI để hạn chế quyền tự do và chúng ta không thể phó mặc lĩnh vực này cho họ. Đây là lý do tại sao chúng ta cần phát triển các ứng dụng AI của châu Âu trên cơ sở pháp lý đáng tin cậy". "AI cũng có thể hữu ích để xác định thông tin sai lệch" và "Nếu chúng ta bẻ cong nó như Italia đã làm, sẽ không có những bước tiến mới."
Phó chủ tịch điều hành Ủy ban Châu Âu Margrethe Vestager khẳng định, EC dự định "thực hiện càng sớm càng tốt" một luật mới điều chỉnh AI tạo sinh như ChatGPT. Luật sẽ thiết lập các quy tắc thống nhất để sử dụng hợp lý AI được tạo ra và giảm thiểu rủi ro cho người dùng.
Tại một cuộc trao đổi với Nikkei ở Tokyo, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Công nghệ và Kỹ thuật số của Nhóm G7 tại Takasaki, tỉnh Gunma vào cuối vừa qua, Bộ trưởng Wissing, với tư cách là quốc gia có cùng chí hướng, nói Đức và Nhật Bản nên tiên phong trong việc điều chỉnh và điều phối để AI được ứng dụng đúng hướng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Viễn thông và Chuyển đổi kỹ thuật số Pháp Jean-Noel Barrot cho biết nước này đang xem xét bổ sung "các quy tắc miễn trừ ngoại lệ cho các công ty vừa và nhỏ" trong các quy định về AI của EU để đảm bảo rằng các quy tắc mới không cản trở sự đổi mới.
"Chúng tôi sẽ không hỗ trợ quy định của EU, nếu đó không phải là cách để hỗ trợ đổi mới,” ông Barrot nói.
Bộ trưởng Barrot cũng đề cập đến sáng kiến chung mới của EU được thành lập vào tuần trước để cải thiện khả năng bảo vệ chống lại các cuộc tấn công mạng,” cả về khả năng dự đoán và ứng phó với các cuộc tấn công như vậy, cũng như đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực này."
Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil cho biết ông tin rằng trí tuệ nhân tạo cuối cùng sẽ tạo ra thay vì cướp đi việc làm, đồng thời giúp giảm bớt tình trạng thiếu lao động ở nước này.
Phát biểu với tờ Tagesspiegel của Đức, Bộ trưởng Heil cho biết, “Theo tất cả những gì chúng tôi biết và có thể quan sát, xã hội sẽ không hết việc làm trong tương lai.” Ông cũng cho biết không ủng hộ việc cấm các chatbot như Chat-GPT nhưng nói thêm rằng mọi người cần hiểu dữ liệu mà các công cụ AI đang được tạo ra".
“Điều này không chỉ ngăn chặn thuyết âm mưu mà còn ngăn hệ thống tạo ra kết quả không mong muốn,” Bộ trưởng Heil nói.