Đầu tàu kinh tế EU đang bị “sốc” vì bất ổn địa chính trị

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Viện Kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất EU đang trong tình trạng “sốc”, đặc biệt các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những bất ổn địa chính trị phát sinh từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Ngành công nghiệp ở Đức được dự báo sẽ cảm nhận rõ rệt hơn tác động từ những khó khăn của nền kinh tế thế giới trong năm nay. Ảnh: Getty
Ngành công nghiệp ở Đức được dự báo sẽ cảm nhận rõ rệt hơn tác động từ những khó khăn của nền kinh tế thế giới trong năm nay. Ảnh: Getty

Các chuyên gia kinh tế nhận định, Đức - quốc gia được coi là "động cơ của nền kinh tế Liên minh châu Âu - EU", đang đối mặt lạm phát tăng cao và nhu cầu suy yếu.

Theo dự báo mới nhất của Viện Kinh tế Đức (IW), sản lượng kinh tế nước này sẽ giảm trong năm nay khi nhu cầu từ nước ngoài yếu, lãi suất tăng cao và khủng hoảng năng lượng kéo dài.

Báo cáo của IW nhận định, nền kinh tế Đức đang trong tình trạng “sốc”, với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ những bất ổn địa chính trị phát sinh từ cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.

Các nhà kinh tế cảnh báo, doanh nghiệp và ngành công nghiệp ở Đức sẽ cảm nhận rõ rệt hơn tác động từ những khó khăn của nền kinh tế thế giới trong năm nay khi tình trạng khan hiếm đẩy giá nguyên liệu thô và năng lượng đồng loạt tăng cao.

Dự kiến, thương mại toàn cầu trì trệ và nhu cầu yếu khiến GDP của nền kinh tế lớn nhất EU thấp hơn dự báo. Tăng trưởng GDP của Đức được dự báo sẽ giảm gần 0,5% so với năm ngoái, trong khi tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên mức 5,5%.

Ngoài ra, lạm phát vẫn ở mức cao và có khả năng duy trì ở mức khoảng 6,5%, tiếp tục gây áp lực với chi tiêu của người tiêu dùng.

“Chính phủ cần khẩn trương hành động để chấm dứt tình trạng suy thoái kinh tế này” -  RT dẫn lời của giáo sư Michael Gromling, người đứng đầu đơn vị nghiên cứu chu kỳ kinh doanh và kinh tế vĩ mô tại IW.

Theo ông Gromling, chính quyền Berlin nên giảm gánh nặng thuế, có thêm sự hỗ trợ trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và đầu tư để giúp các doanh nghiệp ứng phó tốt hơn với những cú sốc hiện tại.

Hồi đầu tháng trước, Bloomberg đưa tin, nền kinh tế Đức sẽ vẫn trì trệ trong nửa cuối năm nay khi nước này tiếp tục vật lộn với hậu quả của suy thoái kinh tế mùa Đông.

Theo một cuộc khảo sát do Bloomberg thực hiện vào đầu tháng 8 vừa qua, sản lượng kinh tế ở Đức đã giảm trong quý II và sẽ chững lại trong quý III, đánh dấu mức giảm sâu hơn dự kiến.

Ngành công nghiệp của Đức đang gặp khó khăn trong bối cảnh nhu cầu từ Trung Quốc suy yếu, tình trạng thiếu lao động có trình độ, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và hậu quả kéo dài từ cuộc khủng hoảng năng lượng.

Trong báo cáo công bố hôm 14/8, Bộ Kinh tế Đức cảnh báo, “sự phục hồi mà nhiều người mong đợi vẫn không thành hiện thực vào đầu mùa Hè”.

Theo báo cáo của Bộ Kinh tế Đức, tâm lý kinh tế trong nước đã bị ảnh hưởng do “nhu cầu bên ngoài vẫn còn yếu, những bất ổn địa chính trị tiếp tục diễn ra, tốc độ tăng giá vẫn cao và những tác động ngày càng rõ rệt của việc thắt chặt tiền tệ”.

Cũng trong tháng 8, Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank đã cảnh báo tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn nhất EU sẽ tiếp tục đình trệ mặc dù lạm phát có thể giảm.

Trong một báo cáo công bố ngày 22/8 của Bundesbank, sản lượng kinh tế của Đức bị đình trệ trong quý II/2023 và dự kiến tăng trưởng kinh tế nước này ​​​​không tăng trong thời gian tới.

“Sản lượng kinh tế có thể ít nhiều sẽ trì trệ trở lại trong quý III/2023” - Bundesbank viết trong báo cáo hàng tháng. Theo dự báo, sản lượng công nghiệp sẽ vẫn yếu do nhu cầu nước ngoài gần đây có xu hướng giảm. Bundesbank lý giải thêm: “Chi phí tài chính cao có thể sẽ tiếp tục đè nặng lên hoạt động đầu tư”.

Bên cạnh đó, Chính phủ Đức sẽ ghi nhận mức thâm hụt đáng kể vào năm 2023 khi họ tiếp tục cung cấp hỗ trợ rộng rãi liên quan đến khủng hoảng cho các doanh nghiệp và gia đình, chủ yếu bằng cách sử dụng các biện pháp kiềm chế giá năng lượng.

Trước đó, vào tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Đức sẽ là nền kinh tế G7 duy nhất rơi vào suy thoái trong năm nay, khi nước này phải vật lộn với hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng.