Tác động lên toàn cầu
Theo đó, tình hình chiến sự đã buộc các nhà máy sản xuất ô tô tại Đức, vốn phụ thuộc vào nguồn cung vật tư tại Ukraine, phải tạm thời đóng cửa, cũng như tác động tới ngành thép ở Nhật Bản.
Trong khi đó, hoạt động giao thông hàng không và đường bộ, yếu tố quan trọng trong giao thương toàn cầu, cũng bị gián đoạn nặng nề.
Tình hình chiến sự cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của chính Nga và Ukraine, hiện là những nước xuất khẩu lớn các sản phẩm như dầu mỏ, khí đốt, lúa mỳ hay dầu ăn, qua đó làm giá các mặt hàng này tăng mạnh trên thị trường toàn cầu.
Các chuyến hàng đi từ cảng ở Ukraine, một trong những hành lang vận tải quan trọng cho lúa mỳ, sắt thép và dầu mỏ của Nga đến phần còn lại của thế giới, đã gần như đóng băng.
Nhiều hãng vận tải và hàng không lớn cảnh báo quyết định của các nước châu Âu trong việc đóng cửa không phận với Nga, và kèm theo đó là các biện pháp trả đũa tương tự của Nga, sẽ làm gia tăng chi phí vận chuyển hàng không từ châu Âu đến châu Á, chưa kể một số tuyến đường hàng không sẽ không thể đưa vào khai thác hiện tại.
Lệnh trừng phạt của phương Tây – đặc biệt việc loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT – sẽ khiến nhiều công ty gặp khó khăn trong việc giao dịch với nước này, đặc biệt là ở những lĩnh vực hiện chưa nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại những yếu tố trên cũng sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng vốn phụ thuộc vào những nhiên liệu ít được biết đến từ Nga như khí neon hay chất paladi, là những thành phần quan trọng để sản xuất chất bán dẫn.
Rủi ro tăng giá trong bối cảnh đà lạm phát tăng cao sẽ tiếp tục là thách thức đối với những ngành nghề nhạy cảm với lãi suất.
“Các lệnh trừng phạt lên Nga sẽ có tác động nghiêm trọng không chỉ với nền kinh tế nước này, mà còn toàn thế giới," Dawn Tiura, chủ tịch công ty thương mại Sourcing Industry Group có trụ sở tại Mỹ, nói.
Vào cuối tuần truóc, giá dầu đã lần đầu vượt mốc 100 đô la/thùng sau 8 năm. Giá aluminum cũng tăng 20% trong năm nay và chất paladi ở mức 26,7%. Giá giao dịch lúa mỳ tương lai tại Chicago tăng 12% vào cuối tuần trước, mức cao nhất kể từ 2012.
Tương lai bất ổn
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để thấy mức độ tác động lâu dài từ sự kiện Nga-Ukraine đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện tác động của cuộc chiến và lệnh trừng phạt vẫn chưa rõ ràng, nhiều công ty vẫn có thể dựa vào nguồn dự phòng vật liệu sản xuất, trong khi nguồn lúa mỳ tại Ukraine chủ yếu được xuất khẩu sau vụ mùa thu hoạch vào tháng 8.
Dẫu vậy, không khó để nhận ra ngành công nghiệp ô tô, vốn trong thời gian dài chủ yếu dựa vào các chuỗi cung ứng xuyên biên giới, là “nạn nhân” đầu tiên từ sự bất ổn của kinh tế toàn cầu.
Leoni AG, công ty sản xuất hệ thống điện tại Ukraine và cung cấp cho các hãng xe châu Âu, vào tuần trước đã đóng cửa hai nhà máy tại Ukraine với gần 7.000 công nhân.
Ngày hôm sau, Volkswagen AG cho biết công ty này không còn nhận được nguồn cung hệ thống dây điện từ Ukraine, và sẽ phải dừng sản xuất các nhà máy tại Zwickau, phía đông Đức, nhà máy quan trọng nhất của Volkswagen trong chiến lược sản xuất xe điện, và Dresden, dự báo kéo dài trong vài ngày.
Volkswagen cho biết có thể sẽ phải cho nghỉ tạm thời hơn 8.000 người lao động cho tới khi nối lại hoạt động các nhà máy.
Chỉ vài giờ ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào Ukraine, các công ty sản xuất ô tô phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc và Đông Âu đã thiết lập những nhóm công tác đặc biệt nhằm tìm kiếm phương án thay thế. “Ukraine không đóng vai trò chính trong các chuỗi cung ứng của chúng tôi, nhưng khi xảy ra sự đứt gãy, nó luôn gây ra những vấn đề đau đầu," đại diện Volkswagen nói.
Hiện có 22 công ty nước ngoài đầu tư tại Ukraine, ví như Leoni AG với 38 nhà máy, chủ yếu sản xuất hệ thống điện, ghế và các sản phẩm nhằm cung ứng cho ngành công nghiệp ô tô, theo thông tin từ UkraineInvest, cơ quan xúc tiền đầu tư Ukraine.
“Hiện chưa có vấn đề nào lớn xuất hiện, nhưng rất khó nói trong tương lai," đại diện Mercedes-Benz nói.
Sự đứt quãng về nguồn cung hàng hoá và nguyên liệu thô từ Ukraine và Nga có thể làm tình hình thiếu hụt chíp bán dẫn trên toàn cầu trở nên tồi tệ hơn. Hiện hầu hết các nhà sản xuất chíp bán dẫn của Mỹ đều nhập khẩu khí neon, paladi và Hexaflourocyclobutene (HFCB) từ Nga và Ukraine.
Các hầm mỏ của Nga chiếm tới 40% lượng paladi trên toàn cầu và 11% lượng nickel, dùng trong các sản phẩm ô tô và pin điện.
Ngoài ra, Nga và Ukraine cũng chiếm tới 1/3 lượng xuất khẩu lúa mỳ, 19% ngô và 80% dầu ăn trên toàn cầu, theo Commerzbank, và phần lớn số này là được di chuyển qua các cảng ở Biển Đen, vốn hiện đã dừng hoạt động.
Việc lúa mỳ tăng giá sẽ ảnh hưởng tới đa phần các nước đang phát triển, ví như Ai Cập và Indonesia, vốn phụ thuộc vào nguồn thực phẩm nhập khẩu.
Ở vùng duyên hải Biển Đen thuộc Ukraine, chính phủ nước này đã đóng cửa cảng ở Odessa sau khi cuộc chiến nổ ra.
Philip Sweens, giám đốc công ty vận tải Đức Hamburger Hafen und Logistics (HHLA), cho biết việc cảng này đóng cửa sẽ là cú schock đối với hoạt động thông thương khu vực châu Âu.
“Ukraine là vựa lúa của châu Âu, và điều đầu tiên mà người châu Âu nhận ra, đó là giá thực phẩm tăng," Sweens nói.
Kể từ cuối năm ngoái, khi tình hình tắc nghẽn tại các cảng hay khó khăn trong vận chuyển hàng hoá bằng đường biển từ châu Á đến châu Âu, đã buộc nhiều công ty vận tải chuyển hướng sang đường sắt từ Trung Quốc qua Nga đến châu Âu.
Theo Gleen Koepke, phó chủ tịch tập đoàn vận tải FourKites, đây là tuyến đường quan trọng thay thế hoạt động vận tải biển hiện đang bị đứt gẫy.
“Hơn 300.000 container hàng hoá đã được vận chuyển từ Trung Quốc đến châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2021," Koepke nói.
Trong khi đó, vận tải hàng không cũng gặp sức ép không nhỏ, hãng vận tải hàng hoá Flexport thường bay di chuyển từ châu Á và châu Âu qua không phận Nga và Ukraine đã buộc phải chuyển hướng sang tuyến dài hơn qua trung đông, công ty này cho biết.
“Không phận Nga là tuyến dường nhanh nhất cho các chuyến bay giữa châu Âu và Vành đai Thái bình dương”.
Tính đến chủ nhật, các nước bao gồm Anh, Ba Lan và Bulgaria đã cấm các hãng hàng không Nga bay qua không phận nước này.
Nhiều hãng vận chuyển, bao gồm DSV của Đan Mạch và Deutsche Post của Đức, đã dừng hoạt động tại Ukraine.
Công ty Logistics Pháp Geodis trong tuyên bố ngày thứ sáu nhận định việc đóng cửa các không phận hay giới hạn hoạt động đường không sẽ khiến làm gia tăng chi phí hàng không, qua đó tiếp tục gây khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu.