Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh tiêu thụ trái vải thiều tại thị trường trong nước

Theo Nguyên Long/VOV1
Chia sẻ Zalo

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng trái vải thiều vụ mùa năm nay khoảng 330.000 tấn. Cùng với việc đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, tìm đầu ra để xuất khẩu, theo ngành công thương vai trò của thị trường trong nước cũng rất quan trọng.

Những năm gần đây, trái vải thiều Việt Nam đã được người tiêu dùng nhiều nước như Nhật Bản, EU, Mỹ… ưa chuộng. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu trái vải được cao hơn. Đánh giá cao vai trò của cơ quan  xúc tiến thương mại, các Thương vụ nước ngoài trong việc xúc tiến nhiều mặt hàng nông sản, trái cây, trong đó có quả vải ra thị trường quốc tế.

Song, với đặc thù trái vải thiều chín rộ trong một thời gian ngắn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của các thị trường gần, thị trường truyền thống trong xuất khẩu trái vải, có chi phí vận chuyển thấp hơn và thuận tiện hơn, như thị trường Trung Quốc, ASEAN; Đồng thời, cũng cần đặc biệt quan tâm tới thị trường nội địa.

“Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với các địa phương và kể cả các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp để làm tốt việc xúc tiến thương mại nói chung cũng như là việc xúc tiến để xuất khẩu cũng như tiêu thụ sản phẩm ngay trong thị trường nội địa đối với mặt hàng có thế mạnh của các địa phương, trong đó có mặt hàng vải, mặt hàng nhãn có tính đặc thù, mùa vụ” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Vải thiều Việt Nam đã được người tiêu dùng nhiều nước như Nhật Bản, EU, Mỹ… ưa chuộng.
Vải thiều Việt Nam đã được người tiêu dùng nhiều nước như Nhật Bản, EU, Mỹ… ưa chuộng.

Trên thực tế một số năm gần đây, việc đưa trái vải thiều vào bán trong các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và lên các sàn thương mại điện tử khá hiệu quả. Nhờ vào việc đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ nông sản theo tín hiệu thị trường (trong và ngoài nước) tại các vùng, địa phương sản xuất mà trái vải đã đạt tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu và sự lựa chọn của đa dạng thị trường.

Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao, sẽ không chỉ phục vụ phân khúc thị trường tại các kênh bán lẻ hiện đại, mà còn góp phần quảng bá thương hiệu, sản phẩm trái vải thiều đặc sản tới đông đảo người tiêu dùng, và người nông dân cũng sẽ không bị ép giá, thua thiệt.

“Bộ Công Thương thường phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố có những vùng canh tác rất lớn để làm những sự kiện lớn như về xúc tiến thương mại, “mang” các hệ thống phân phối về để ký kết trong việc tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như là đi xuất khẩu; và chúng tôi đã thành công với những trái như trái vải thiều để tiêu thụ tại thị trường trong nước. Những kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch thì đã chiếm đến 15% những sản phẩm có chứng nhận về an toàn thực phẩm” - bà Lê Việt Nga nói.

Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần phát huy vai trò của “chợ truyền thống” trong tiêu thụ trái vải thiều, đặc biệt là thị trường phía Nam.
Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần phát huy vai trò của “chợ truyền thống” trong tiêu thụ trái vải thiều, đặc biệt là thị trường phía Nam.

Mặc dù vậy, do đặc điểm trái vải chín nhanh, vận chuyển khó khăn, bao quản được trong thời gian ngắn, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần phát huy vai trò của “chợ truyền thống” trong tiêu thụ trái vải thiều, đặc biệt là thị trường phía Nam, người tiêu dùng rất ưa thích trái vải thiều miền Bắc.

Với những sản phẩm mà chín rộ, ít khi được chế biến như quả vải, thì chúng tôi nhấn mạnh rằng vai trò của kênh truyền thống luôn luôn là rất quan trọng. Ví dụ như tại thời điểm tháng 6, tháng 7 hằng năm khi mà trái vải thiều chín rộ thì thị trường phía Nam là một thị trường trọng điểm với những hệ thống phân phối đầu mối như chợ đầu mối luôn luôn là “cứu cánh” cho các hệ thống phân phối khi có biến động của xuất khẩu” - bà Lê Việt Nga cho biết thêm.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, để trái vải thiều ngày càng được ưa chuộng tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân cần đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản, tuân thủ áp dụng theo hướng dẫn tại Quyết định 194/QĐ-TTg ban hành ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030.

Theo đó, phải hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững, có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường./.