Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dạy tiếng Việt trên truyền hình cho học sinh lớp 1

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT vừa phối hợp cùng Kênh truyền hình Giáo dục quốc gia (VTV7) xây dựng chương trình dạy tiếng Việt lớp 1. Chương trình được phát sóng lúc 9h hàng ngày trên kênh VTV7.

 Bộ GD&ĐT phối hợp cùng VTV7 thực hiện phát sóng  chương trình dạy Tiếng Việt vào 9h hàng ngày.

Ngày 30/4, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, để hỗ trợ học sinh lớp 1 tiếp thu kiến thức môn Tiếng Việt tại nhà – môn học công cụ, tạo nền tảng cho học sinh theo học tiếp lớp trên, đồng thời giúp giáo viên có thêm phương tiện giảng dạy, truyền tải kiến thức môn Tiếng Việt trong, sau mùa dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã phối hợp cùng Kênh truyền hình Giáo dục quốc gia (VTV7) thực hiện phát sóng  chương trình dạy Tiếng Việt vào 9h hàng ngày.

Theo đó, “Dạy Tiếng Việt lớp 1” gồm 12 số, cung cấp nội dung kiến thức của toàn bộ học kỳ 2 môn Tiếng Việt lớp 1, theo chương trình đã được Bộ GD&ĐT tinh giản. Mỗi số (dài khoảng 25 phút) giới thiệu kiến thức cốt lõi của một số bài học trong sách giáo khoa, trong đó chủ yếu hướng dẫn việc tập đọc và kỹ thuật viết các chữ cái, vần mới. Theo ông Thái Văn Tài, các giáo viên sẽ thiết kế bài học với việc sử dụng nhiều hình hoạ sinh động, hình ảnh trực quan, các trò chơi ôn luyện… để tạo hứng thú học tập và giúp học sinh tiếp thu hiệu quả kiến thức.

Ngoài ra, để xây dựng được những bài giảng truyền hình với phương pháp dạy sinh động, trực quan, có tính tổng hợp cao, đội ngũ cố vấn gồm giảng viên uy tín của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên gia của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, giáo viên môn Tiếng Việt của một số trường tiểu học tiêu biểu.

Vẫn theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, ngoài dạy Tiếng Việt, Bộ GD&ĐT đang phối hợp cùng VTV7 thực hiện chương trình dạy Toán lớp 1 và Tiếng Việt và Toán cho học sinh lớp 2. “Đây là sự cố gắng của các cơ quan chức năng với mong muốn các em học sinh, dù ở hoàn cảnh nào, đặc biệt các em ở vùng sâu, vùng xa không có đủ điều kiện học trực tuyến sẽ được trang bị kiến thức. Mục tiêu là sẽ không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau” – ông Thái Văn Tài nói thêm.