Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dạy và học trong giai đoạn on- off: Nhiều ý kiến trái chiều

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ 10/2 đến nay, số ca F0, F1 trong giáo viên, học sinh tại các trường học Hà Nội tăng mạnh. Nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình mới, theo chỉ đạo của ngành Giáo dục, các trường học duy trì học trực tiếp song song với trực tuyến.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hình thức học on-off không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Tiết học chập chờn, rời rạc vì học on- off

Tại Hà Nội, các kế hoạch, phương án tổ chức cho học sinh đến trường đã được chuẩn bị kỹ lưỡng với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị. Tuy vậy, cũng như các địa phương khác, số ca F0, F1 trong trường học Hà Nội tăng mạnh đòi hỏi các trường học phải có giải pháp ứng phó linh hoạt. Hình thức được áp dụng trong thời điểm này là dạy trực tuyến- trực tiếp song song. Đó là với những học sinh đủ điều kiện sức khỏe sẽ đến trường học trực tiếp; những học sinh F0, F1 và có yếu tố dịch tễ thì học trực tuyến tại nhà. Việc học trực tuyến- trực tiếp dựa trên tinh thần tự nguyện của học sinh, gia đình với quan điểm “không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.

Ngành Giáo dục Hà Nội nhấn mạnh, để hình thức học trực tuyến- trực tiếp song song mang tính lâu dài, bền vững, các nhà trường trang bị cơ sở vật chất để lớp nào cũng có thể học được song song; hoặc tối thiểu mỗi khối có 1 lớp triển khai hình thức song song. Thực tế, hầu hết trường học Hà Nội đang thực hiện phương án “on- off” theo hai hình thức: Một là, mỗi lớp học đều kết nối online để học sinh lớp nào sẽ học online tại lớp ấy; hai là, mỗi khối sẽ có một vài lớp dạy trực tiếp song song trực tuyến và học sinh các lớp của khối sẽ vào học online tại một vài lớp này.

Lớp học trực tiếp có ít học sinh đến lớp cũng là tình huống đã được các trường tính đến từ trước
Lớp học trực tiếp có ít học sinh đến lớp cũng là tình huống đã được các trường tính đến từ trước

Tuy vậy, hình thức học tưởng chừng nhiều ưu điểm này lại sớm bộc lộ những nhược điểm. Số học sinh học trực tiếp ngày càng giảm; đồng nghĩa học sinh học online ngày càng đông. Học sinh học trực tuyến kiểu này cho rằng, hình thức học online hiện nay khác hoàn toàn học trực tuyến 100% bởi lẫn nhiều tạp âm; cô giáo đến bảng viết thì âm thanh rất nhỏ, ngồi nhà khó nghe; nhiều gia đình mạng yếu, chập chờn khiến tiết học rất rời rạc. Chưa kể, nhiều lớp học trực tiếp chỉ lác đác vài học sinh, thậm chí còn 1 học sinh. “Việc tổ chức dạy học trực tiếp nhằm mục đích để học sinh có cơ hội giao lưu, trao đổi nhiều hơn với thầy cô, bạn bè, nhưng khi chỉ còn vài em học trực tiếp thì không còn thực sự hiệu quả; không khí lớp học cũng trùng xuống; trên lớp vài cô trò với nhau qua lớp khẩu trang bịt kín thì rất bí bách”- Phó Hiệu trưởng trường THCS &THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy) Văn Thùy Dương nhận xét.

Cũng về vấn đề trên, hiệu trưởng một trường THCS thuộc quận Nam Từ Liêm cho biết, đến ngày hôm nay (25/2), trường có 21 lớp thì chỉ còn 5 lớp học trực tiếp; còn lại 16 lớp học trực tuyến hoàn toàn, đa phần thuộc diện F0, F1. Tại 5 lớp học trực tiếp, số lượng học sinh đến trường là dưới 15 em, còn lại cũng ở nhà học trực tuyến.

Cho rằng, hình thức học trực tiếp song song với trực tuyến không hiệu quả, làm “mệt thầy, mệt trò”, hiệu trưởng trường này cho hay: “Cơ sở vật chất của các trường không đồng bộ, điều kiện hạn chế nên dù rất cố gắng cũng không thể trang bị hiện đại đến tất cả các lớp. Với những học sinh học trực tuyến song song với học trực tiếp, gọi là “học” nhưng chủ yếu chỉ là “nghe” vì thiếu hoàn toàn tương tác; cô giáo cũng không thể vừa quản lớp trực tiếp, vừa quan tâm học sinh trực tuyến được. Tựu chung lại, cả thầy và trò đều rất hoang mang”.

Tùy tình hình thực tế, chủ động tìm giải pháp

Trước đó, việc thúc đẩy mở cửa trường học nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Học sinh học ở nhà quá lâu để lại nhiều hệ lụy tiêu cực về tâm lý, thể chất cũng như chất lượng dạy và học. Sau khi xem xét nhiều yếu tố như tỷ lệ người trưởng thành tiêm vaccine chiếm tỷ lệ rất cao, có kinh nghiệm trong phòng chống dịch, khả năng điều trị Covid- 19 tăng, ý thức của người dân thay đổi… Với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành GD&ĐT cả nước cũng như Giáo dục Thủ đô đã cương quyết đưa học sinh trở lại trường học. Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh phức tạp cộng thời tiết khắc nghiệt, ngành GD&ĐT vẫn luôn cố gắng lắng nghe, xem xét thấu đáo, kịp thời điều chỉnh phương án với mục tiêu đảm bảo an toàn cho học sinh nhưng luôn coi trọng chất lượng giáo dục.

Bên cạnh nhiều ý kiến về việc học on- off song song như hiện nay không mang lại hiệu quả thì nhìn theo chiều ngược lại, có không ít luận điểm cho rằng, hình thức học này là chấp nhận được trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, kéo dài.

Các trường học tại Hà Nội duy trì tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp tuần qua là trên 70%
Các trường học tại Hà Nội duy trì tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp tuần qua là trên 70%

“Đến trường là mong mỏi của đông đảo phụ huynh và học sinh. Phải rất khó khăn, chúng ta mới tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp trở lại. Toàn xã hội, các nhà trường, thầy cô giáo, phụ huynh đã phải chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng cho phương án đi học trực tiếp. Với những học sinh F0, F1 hoặc gia đình có nguyện vọng trực tuyến thì sẽ học trực tuyến nhưng với những học sinh thích đến trường, đủ sức khỏe để học trực tiếp, không thể nào bắt các em học trực tuyến mãi được”- giáo viên một trường THPT tại quận Hoàng Mai cho biết.

Cùng quan điểm, Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Hà Đông) Đào Ngọc Sỹ cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, với những học sinh đi học trực tiếp sẽ được các thầy cô tiến hành ôn tập, củng cố kiến thức cũ song song dạy kiến thức mới và học trực tiếp đang cho hiệu quả rất tốt. Với những học sinh F0, F1 hoặc vì những lý do khác ở nhà cũng duy trì lịch học trực tuyến đều đặn. Đây là giải pháp khá tốt, mang lại hiệu quả tương đối và có thể chấp nhận được, đòi hỏi nhà trường, học sinh phải từng bước khắc phục, thích ứng.

Với tình hình dịch Covid- 19 kéo dài, dù với hình thức học trực tuyến, trực tiếp hay song song trực tuyến - trực tiếp thì điểm mấu chốt là sự chủ động của chính học sinh. Đến lớp học trực tiếp ít người thì nại rằng không có bạn để tương tác; ở nhà học trực tuyến lại nói ồn ào, không nghe cô nói gì; học trực tuyến tại lớp gộp theo khối thì kêu lạ thầy, lạ bạn, khó tiếp thu… Những phản ứng như vậy thể hiện sự thiếu chủ động, thiếu tích cực từ phía học sinh. Thời gian trôi nhanh, học kỳ 2 đã được non nửa chương trình, nếu mỗi học sinh không nỗ lực từng ngày mà chỉ trông chờ vào ngày đến trường mới học tử tế thì kiến thức tiếp thu được sẽ càng ngày càng bị thiếu hụt.

Bên cạnh sự chủ động của học sinh thì muốn đảm bảo chất lượng giáo dục cũng phải kể đến vai trò chủ động, linh hoạt của nhà trường, trong đó có việc quyết liệt đưa ra phương án phù hợp thực tế. Với trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy), để giải quyết rõ ràng về vấn đề học trực tuyến hay trực tiếp, trường chọn giải pháp: Lớp nào có trên 50% học sinh là F0 và F1 thì sẽ chuyển sang học trực tuyến. Phương án này nhận được sự đồng thuận lớn của phụ huynh bởi hiện thầy cô là F0, F1 cũng rất nhiều, thậm chí không đủ giáo viên đứng lớp dạy trực tiếp.

Còn trường THCS &THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy) đã ra thông báo, do nhiều học sinh và giáo viên đang phải điều trị Covid-19 hoặc cách ly, để đảm bảo sức khỏe, an toàn, ban giám hiệu nhà trường quyết định cho học sinh các khối từ 7 đến 12 học trực tuyến tại nhà từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, tuy tỷ lệ học trực tiếp tại các trường trên địa bàn TP tuần qua có giảm so với trước đó nhưng vẫn duy trì ở mức cao (trên 70%). Điều này cho thấy mong muốn đến trường rất lớn của thầy cô và học sinh. Chủ trương mở cửa trường học được khẳng định là đúng đắn. Ở giai đoạn khó khăn hiện tại, Bộ GD&ĐT nói chung và ngành GD&ĐT Thủ đô nói riêng vẫn tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình, đưa ra những phương án, giải pháp phù hợp để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội về vấn đề trên.