Dễ có không dễ dụng

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - EU đã khởi động kế hoạch đầy tham vọng nhằm mở ra chương mới cho mối quan hệ hợp tác giữa EU với thế giới bên ngoài. Tên gọi chính thức của kế hoạch này là: Một châu Âu kết nối toàn cầu.

Thực chất ở đây là một chương trình phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng vừa kết nối vừa gắn kết châu Âu với thế giới bên ngoài. Mỗi dự án phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại là một mắt xích trong mạng lưới ấy. Nguồn vốn đầu tư được EU dự kiến huy động từ nguồn tài chính chung của khối và nguồn vốn đầu tư của giới kinh tế tư nhân. EU tạo hình ảnh không chỉ hội nhập vào thế giới toàn cầu hoá mà còn đồng thời liên thủ với các đối tác bên ngoài châu lục để cùng hội nhập thế giới toàn cầu hoá.

Nếu kế hoạch này được thực hiện thành công thì EU sẽ gặt hái được lợi đơn, lợi kép. Mỗi một dự án trong khuôn khổ kế hoạch này đều còn như viên gạch xây dựng nên tượng đài về vị thế, vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới cho EU. Nếu nó được thực hiện thành công thì EU sẽ thật sự có được đối trọng thích hợp để đối phó với chương trình Một vành đai, một con đường của Trung Quốc.

Ý tưởng thì đúng đắn nhưng việc triển khai thực hiện cụ thể lại không dễ chút nào đối với EU. EU đưa ra ý tưởng này từ năm 2018 mà đến bây giờ vẫn chưa cụ thể hoá ra được những dự án đầu tiên, những khu vực và đối tác được ưu tiên trước hết trong khi Trung Quốc tiếp tục tiến bước với chương trình Một vành đai, một con đường. EU cần rất nhiều thời gian và phải qua nhiều quy trình rắc rối mới đến được quyết sách cuối cùng. EU phải khắc phục bất đồng quan điểm trong nội bộ về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện cụ thể kế hoạch này như huy động và sử dụng vốn đầu tư như thế nào, lựa chọn đối tác để hợp tác theo lộ trình nào. Tương tự như vậy trong xử lý quan hệ với Trung Quốc, trong hợp tác cũng như cạnh tranh và đối phó Trung Quốc. Nếu không, EU sẽ không thể phát huy được những lợi thế đặc thù trong thực hiện kế hoạch này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần