Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để hầm đi bộ phát huy hiệu quả cao hơn

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng, song từ nhiều năm nay, hệ thống hầm đi bộ tại Hà Nội chưa phát huy được tối đa hiệu quả. Cần có những thay đổi từ việc đầu tư xây dựng và cách thức quản lý để hầm đi bộ thực sự thu hút người dân.

Nhiều người vẫn thờ ơ với hầm đi bộ

Trên toàn TP Hà Nội hiện có hơn 39 hầm đi bộ tại vị trí giao cắt giao thông trọng điểm của các tuyến đường như: Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, ngã tư Kim Liên và Ngã Tư Sở; đường Trường Xa, Nghiêm Xuân Yêm… góp phần giải tỏa xung đột giao thông tại những điểm thường xuyên xảy ra tắc nghẽn. Tuy nhiên, thực tế, hầm đi bộ chưa thực sự thu hút người dân. Một số hầm trên Quốc lộ 5 đã được đóng cửa do không có người qua lại.

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế và Đô thị, một số hầm đi bộ như: Hầm Ngã Tư Sở, hầm trên trục đường Nguyễn Xiển, Phạm Hùng được kỳ vọng sẽ giải quyết được lượng lớn người đi bộ khi tham gia giao thông tại đây. Hầm được thiết kế với hai làn đường, một làn dành cho người đi bộ và một làn dành cho người đi xe đạp rất hiện đại.

Hệ thống đèn chiếu luôn được thắp sáng, hằng ngày có nhân viên vệ sinh quét dọn khá sạch sẽ và thông thoáng. Thế nhưng, hầm đi bộ Ngã Tư Sở vẫn vắng người qua lại. Những người sử dụng phần lớn là các trường hợp sống quanh khu vực đi thể dục buổi sáng, hoặc người bán hàng vào tránh nắng, tránh mưa...

Được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng, song từ nhiều năm nay, hệ thống hầm đi bộ tại Hà Nội chưa phát huy được tối đa hiệu quả đầu tư.
Được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng, song từ nhiều năm nay, hệ thống hầm đi bộ tại Hà Nội chưa phát huy được tối đa hiệu quả đầu tư.

Trong khi đó, nhiều người dân vẫn băng qua dòng phương tiện đông đúc trên mặt đường. Không ít vụ tai nạn nghiêm trọng do người đi bộ qua đường đã diễn ra.

Phân trần về lý do đi bộ qua đường mà sử dụng hầm bộ hành, chị Nguyễn Thanh Mai trú tại Thanh Xuân Hà Nội cho biết: “Đi xuống hầm phải đi cầu thang xuống, xong lại leo lên, cho nên tôi đi thẳng qua đường cho nhanh. Dưới hầm cũng khá vắng vẻ đi vào buổi sáng sớm hoặc tối thì cũng lo lắng”.

Theo nhiều người dân, chính vì các hầm bộ hành quá vắng vẻ nên tâm lý e ngại mỗi khi có ý định sử dụng. Thậm chí có hầm được đặt đúng vị trí sát đèn tín hiệu giao thông khiến người dân băn khoăn không biết nên đi theo tín hiệu đèn hay đi xuống hầm đi bộ:

Anh Nguyễn Văn Nam, trú tại quận Đống Đa, cho biết: “Tôi chờ đèn xanh, đèn đỏ rồi đi theo luồng qua đường. Người đi bộ khác cũng thế, người ta dừng đèn xanh, đèn đỏ đi theo luồng chứ chẳng ai mất công đi xuống hầm. Hầm đặt ở ngay đèn xanh, đèn đỏ, đúng ngã tư. Nếu đặt hầm chỗ không có đèn xanh, đèn đỏ thì sẽ hợp lý hơn”.

Luôn có nhân viên túc trực, lau dọn tại hầm đi bộ từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày.
Luôn có nhân viên túc trực, lau dọn tại hầm đi bộ từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày.

Bên cạnh đó, nhiều người dân chia sẻ với phóng viên Kinh tế và Đô thị về sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của hầm đi bộ. Ông Lê Bá Biểu, trú tại quận Đống Đa, cho biết: "Hàng ngày, tôi di chuyển qua hầm đi bộ để sang Công viên Thống Nhất tập thể dục. Nhiều năm trước đây, hầm quá vắng, tối, bốc mùi và nhiều kim tiêm, rác thải, trở thành tụ điểm của người nghiện hút hoặc các đối tượng xã hội. Tuy nhiên, vấn đề này đã được cải thiện những năm gần đây”.

Ông Lê Bá Biểu thông tin thêm, hầm đi bộ tại đây được vệ sinh sạch đẹp, đèn điện sáng sủa, thường xuyên có nhân viên bảo vệ và vệ sinh môi trường tuần tra. Tỉ lệ người đi bộ sử dụng hầm tăng dần, tỉ lệ người dân quay lại sử dụng tiếp cũng khả quan.

Để thu hút người dân

Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội đang hướng tới một hệ thống giao thông thân thiện với người đi xe đạp, người đi bộ. Điều này không thể chỉ hiện thực hóa thông qua những công trình lớn, tầm cỡ, mà còn phải thực sự được tinh chỉnh thông qua những chi tiết nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn với người sử dụng như hầm dành cho người đi bộ.

Đại diện Ban Duy tu các công trình giao thông Hà Nội cho biết: “Hàng ngày, đơn vị vẫn duy trì từ 1 đến 2 người tại mỗi khu vực hầm đi bộ từ 6 giờ đến 22 giờ. Công nhân trông giữ hầm có trách nhiệm lau dọn, đóng mở cửa hầm và phối hợp với lực lượng chức năng ngăn chặn các hàng vi phạm tội cũng như tệ nạn xã hội xảy ra dưới hầm đi bộ. Thời điểm hiện tại, nhiều người đã có thói quen sử dụng hầm đi bộ để sang đường”.

Hầm đi bộ chưa thu hút được nhiều người dân sử dụng.
Hầm đi bộ chưa thu hút được nhiều người dân sử dụng.

Có thể thấy, việc thay đổi hình thức đã giúp hầm đi bộ trở nên thân thiện, an toàn hơn trong mắt người dân. Nhưng để hầm đi bộ thực sự trở nên hấp dẫn, phá tan được định kiến trong suy nghĩ của khách bộ hành, thì có lẽ, các đơn vị quản lý cần làm nhiều hơn thế.

Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Văn Dương cho rằng: “Để hầm đi bộ có thể thu hút người dân cần có thêm các biển, bảng chỉ dẫn nổi bật, dễ thấy ở các giao lộ hướng dẫn đi về vị trí hầm, có các thông điệp đề nghị người dân sử dụng. Thậm chí, hầm cần được lắp đặt camera và có thông báo rõ ràng về điều này ở ngay cửa hầm, người sử dụng sẽ yên tâm hơn, tội phạm nếu có ý định cũng phải dè chừng hơn”.

Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung thêm các tiện ích khác như bảng biển LED quảng cáo, máy bán nước tự động, hệ thống thông tin liên lạc, nút bấm nguy hiểm trong tình huống khẩn cấp sẽ tạo cảm giác thân thiện và yên tâm hơn cho người dân sử dụng.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ: “Bên cạnh thay đổi giao diện cũng cần có sự thay đổi về kết cấu để việc sử dụng thuận tiện nhất cho người dân”.

Theo vị chuyên gia này, xây dựng hầm đi bộ cần tính toán độ dốc của các bậc cầu thang cần tính đến sự phù hợp với trẻ nhỏ, người già, người dắt xe, thậm chí, có cầu thang cuốn cho người khuyết tật, người mang vác nặng hay xe đẩy trẻ em. Vị trí xây hầm bộ hành là yếu tố quyết định của việc khai thác có hiệu quả hay không.

Ngoài ra, cần có chỉ dẫn rõ ràng để người dân xuống dễ dàng. Cũng phải lưu ý thêm về kiến trúc, không nên làm hầm đi bộ quá phức tạp, hạn chế những ngã ba, ngã tư dưới hầm dễ khiến người dân ngại đi.

 

“Hiện nay, ở Hà Nội có không ít hầm đi bộ ở xa lộ vắng người qua lại, nếu nhu cầu chưa cao, có thể đóng cửa để bảo vệ hạ tầng, tránh xuống cấp, lãng phí. Khi đô thị hóa tới khu vực hầm đi bộ, chỉ cần chỉnh trang là có thể sử dụng vì đã sẵn hạ tầng” - thạc sĩ Đỗ Cao Phan