Lo ngại xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân
Khoản 5, Điều 56, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 quy định: mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bỏ quy định này.
Vì thế, khi góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) về cách tính lương hưu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội cho rằng: Do cách tính lương hưu hàng tháng dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện thời gian đóng sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương rất thấp (người lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%). Bên cạnh đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bỏ quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất. Đây là điều mà nhiều người lao động băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai.
Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) xem xét giữ lại quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất như Luật BHXH năm 2014 hoặc có phương án để cách tính lương hưu có tính chia sẻ nhằm hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp để các đối tượng đảm bảo cuộc sống. Đại biểu Vương Thị Hương – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp để đảm bảo cuộc sống.
Với các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, mức lương hưu thấp nhất trong thời gian qua chỉ đúng với một giai đoạn nhất định. Mức lương hưu thấp nhất hiện nay đang được áp dụng dựa trên căn cứ trên mức lương cơ sở 1.800.000 đồng. Nhưng nếu Nhà nước bắt buộc áp mức lương cơ sở này, nhiều người có nhu cầu không thể tham gia BHXH vì không đủ điều kiện đóng bằng mức lương cơ sở. Vì thế, cần có quy định cho phép những người đó được tham gia BHXH với mức đóng thấp hơn mức tiền lương cơ sở.
Mức lương hưu thấp nhất đảm bảo mức sống tối thiểu
Từ ngày 1/7/2024, Chính phủ sẽ điều chỉnh tăng lương hưu cho người nghỉ hưu. Và, cũng từ ngày 1/7/2024 sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở. Vì thế, nhiều người băn khoăn không biết tới đây cách tính lương hưu thấp nhất sẽ thế nào. TS Phạm Đình Thành – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH – BHXH Việt Nam cho rằng: Việc bãi bỏ mức lương cơ sở là cần thiết vì thực hiện cải cách tiền lương sẽ có những mức lương cụ thể ở từng vị trí việc làm. Vì thế, những quyền lợi của các chế độ BHXH được xác định căn cứ vào mức lương cơ sở cũng cần thay đổi khái niệm cho đồng bộ.
Tuy nhiên, muốn thay đổi bằng khái niệm gì, ví dụ “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở” thì về nguyên tắc phải đảm bảo mức lương hưu sẽ hưởng từ ngày 1/7/2024 ít nhất phải bằng với mức hưởng lương hưu trước khi cải cách tiền lương. Đó là chưa kể đến mức tăng lương hưu chung tại thời điểm 1/7/2024, những khả năng tăng lương hưu từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho người nghỉ hưu. Đây là giải pháp duy nhất đúng trong giai đoạn quá độ để tiếp cận với khái niệm và xác định “mức lương hưu tối thiểu”.
“Không thể có cơ sở để thay đổi mức lương hưu thấp nhất để đưa vào Luật BHXH (sửa đổi). Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mà Ban soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần nghiên cứu xem xét để xác định mức đóng tối thiểu, kể cả mức đóng tối thiểu cho người tham gia BHXH tự nguyện để khi đủ điều kiện có thể nhận được mức lương hưu thấp nhất đảm bảo mức sống tối thiểu” – TS. Phạm Đình Thành đề xuất.
Nguyên Viện trưởng Việt Khoa học Lao động – Xã hội, Bộ LĐTB&XH TS. Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, từ ngày 1/7/2024, mức lương hưu thấp nhất bằng mức lương cơ sở hiện nay thì quá thấp, không tương xứng với tốc độ tăng lương của cán bộ, công chức, viên chức 30%. Vì thế, mức lương hưu thấp nhất hiện nay phải được cộng thêm 15%.
Và, mức lương cơ sở 1.8000.000 đồng sau một thời gian thực hiện đến đã lạc hậu vì thế lương hưu thấp nhất phải dựa trên các mối quan hệ trả lương khu vực hành chính nhà nước; khu vực DN tăng lương cho người lao động để có tham chiếu. “Theo định kỳ, cứ 2 - 3 năm, Tổng cục Thống kê tính toán mức sống tối thiểu của người dân (căn cứ trên mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, yếu tố lạm phát, nhu cầu của mức sống tối thiểu). Mức lương hưu tối thiểu phải được tính không thấp hơn mức sống tối thiểu ở thời điểm đó thì người về hưu mới đảm bảo cuộc sống.