Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, đối tượng được vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ được nới rộng và không chỉ khống chế ở việc mua nhà mà có thể áp dụng cho đối tượng có nhu cầu vay để cải tạo nhà ở.
Lãi suất 5%... vẫn cao
Mặc dù các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu được Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo quyết liệt triển khai đã phát huy tác dụng bước đầu trong năm 2013 và quý I/2014. Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn chưa hồi phục như kỳ vọng.
Các hộ dân ở đô thị là cán bộ công chức... sẽ được vay vốn từ gói tín dụng hỗ trợ để mua, cải tạo, sửa chữa nhà ở. Ảnh: Linh Anh
|
Đánh giá kết quả thực hiện gói tín dụng hỗ trợ mua nhà ở, Bộ Xây dựng cho rằng, mặc dù lãi suất cho vay ưu đãi đã được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm từ tháng 1/2014 nhưng vẫn còn cao so với thu nhập của người dân, chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận gói tín dụng này. Bên cạnh đó, thời hạn cho hộ gia đình, cá nhân vay tối thiểu 10 năm là ngắn so với khả năng tích lũy, trả nợ. Một số tiêu chí do ngân hàng quy định quá chặt chẽ và thận trọng, do đó khách hàng vay vốn không thể đáp ứng được.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng, chính quyền một số địa phương còn chậm trễ trong việc triển khai các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, chấp thuận đầu tư, quyết định cho phép chuyển đổi dự án, điều chỉnh cơ cấu căn hộ… do đó, số lượng dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở xã hội; dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi sang nhà ở xã hội và dự án được điều chỉnh cơ cấu căn hộ còn thấp so với nhu cầu thực tế. Mấu chốt trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là quy định về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai vẫn chưa được ban hành kịp thời để tháo gỡ cho khách hàng về thủ tục vay vốn.
Bỏ khống chế về diện tích, đơn giá
Ngày 18/4/2014, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo T.Ư về chính sách nhà ở và thị trường BĐS lần thứ XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Xây dựng tổng hợp ý kiến, soạn thảo và trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Theo đó, kiến nghị mở rộng đối tượng, điều kiện được vay vốn từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng nêu tại NQ 02, đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở và tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Bộ Xây dựng đề xuất, kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân từ 10 năm lên 15 năm. Mở rộng đối tượng vay vốn đối với hộ gia đình, cá nhân tại đô thị mua nhà ở thương mại riêng lẻ có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá). Bộ cũng đề xuất, các hộ dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại các đô thị ở tất cả các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở được vay để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không vượt quá 840 triệu đồng (80% x 1,05 tỷ đồng). Quan trọng hơn, Bộ đề nghị Thủ tướng cho phép các hợp đồng mua nhà ở xã hội đã ký trước ngày 7/1/2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà (đối với khoản tiền chưa nộp theo tiến độ) cũng được vay từ gói 30.000 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng ưu đãi về nhà ở, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, quan điểm của Bộ là cần bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần được phép tham gia cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các nội dung theo Chỉ thị 2196/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS, trong đó có việc không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014 (trừ các các dự án nhà ở xã hội; nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; dự án cải tạo nhà chung cư cũ). Trường hợp đặc biệt, các địa phương phải báo cáo cụ thể với Bộ Xây dựng xem xét, thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về kết quả giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, tính đến hết ngày 15/4/2014, tổng số tiền 5 ngân hàng đã cam kết là 3.365,9 tỷ đồng, tổng dư nợ là 1.699,4 tỷ đồng. Kết quả giải ngân cho 3.941 hộ (chiếm 99,5%) so với số hộ đã được cam kết, số tiền là 975,7 tỷ đồng (chiếm 65%) so với số tiền đã được cam kết; mua nhà ở xã hội là 2.288 hộ, với dư nợ 515,6 tỷ đồng; mua nhà ở thương mại 1.653 hộ, với dư nợ là 460 tỷ đồng. |